Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

Cứu Trợ Tại Ea-Sup, Đắk Lắk (25/09/2013)

HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MN)
ỦY BAN Y TẾ XÃ HỘI - TLH

CỨU TRỢ TẠI EA-SUP, ĐẮK LẮK

       Trận lũ kinh hoàng ngày 17/09/2013 đã gieo tang thương cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông tại xã Cư K’bang, huyện Ea-Súp, tỉnh Đắk Lắk. Cho đến 23/09/2013, (như thông tin đã đưa trên website TLH ngày 24/09/2013) [1] trong số 12 người bị lũ cuốn trôi khi đang đi làm rẫy có 4 người trở về, 6 người qua đời đã tìm được xác, và 2 người còn mất tích (có lẽ bị vùi sâu trong bùn chưa được tìm thấy). Tất cả họ đều là tín đồ Tin Lành thuộc điểm nhóm Thôn 13, xã Cư K’bang do thầy Truyền Đạo Lý Văn Mày đặc trách. Nguyên nhân của trận lũ được cho là do xả lũ đập Ea - Drăng nằm ở huyện lân cận.
       Người H’mông, Dao, Sán Chỉ và Nùng đã di cư vào Nam trong những năm 2007-2008 từ các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn... Họ đến định cư tại huyện Ea-Súp, nơi được cho là bằng phẳng và đất đai phì nhiêu so với nơi quê hương miền núi họ sinh sống trước đây, mặc dù đây cũng là huyện biên giới giáp ranh với Campuchia và nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột hơn 100km. Vì đất đã không còn nhiều, họ phải đi khai phá đất trồng trọt ở rất xa làng của mình. Thường thì họ đi làm và ở lại từ 3-5 ngày mới về nhà một lần vì đường xa xôi phải đi bộ mất 3 tiếng đồng hồ. Gần nơi họ làm rẫy có dòng sông Ea H’leo chảy qua, nơi đây dòng sông rẻ ra 2 bên để lại một cù lao lớn nằm giữa sông. Các gia đình H’mông dựa vào mấy gốc cây trên cù lao để làm nhưng chòi nhỏ trú mưa nắng và ở lại đêm tại đây. Hằng ngày họ đi từ bờ sông ra cù lao trên một cây to bắt ngang.
       Trong những ngày giữa tháng 9, trời có mưa to và kéo dài nhiều ngày nhưng theo kinh nghiệm của họ đã sống tại đây 4 năm thì nước sẽ không dâng lên nhanh chóng và chưa bao giờ có lũ trong vòng 4 năm qua. Các gia đình đã vào làm rẫy và ở lại tại các chòi rẫy từ trước đó mấy ngày, một số về nhóm với HT trong ngày Chủ nhật 15/9 và sáng thứ 2 mới vào lại rẫy. Đêm hôm đó, mưa nhiều và kéo dài suốt đêm cho đến sáng 17/9 họ bị cô lập giữa cù lao và không thể nào vào bờ được. Đến 10h sáng, nước dâng lên nhanh chóng và sau đó cuốn trôi 2 căn chòi nằm cạnh nhau kéo theo 12 người. Chị Đào Thị Thủy là người biết bơi và may mắn bám được vào gốc cây, trên lưng cõng đứa con gái chưa đầy 2 tuổi. Đứa con gái lớn 16 tuổi của chị cũng bám theo mẹ. Ba mẹ con tựa trên gốc cây trôi dạt theo dòng sông. May mắn, gốc cây bị mắc vào bụi tre và dừng lại đó, ba mẹ con chị ngồi trên gốc cây từ trưa hôm đó cho đến sáng hôm sau mới bơi vào bờ được. Tuy nhiên, ba mẹ con quần áo bị xé nát nên đã tìm nơi ở tạm ăn khoai củ cho đến hôm sau nữa mới được cứu về nhà. Một người khác là anh Đào Văn Thanh cũng biết bơi, anh bám vào một góc cây và nhìn thấy từng người một bị nước cuốn đi và chìm xuống đáy sông trong đó có cả vợ anh. Anh không làm gì được vì dòng nước chảy quá siết và anh cũng mệt lả người. Một lát sau, anh bơi qua bờ bên kia rồi nằm trên bờ cho đến sáng mới về được. Đó là 4 người sống sót trở về làng, 6 người còn lại được tìm thấy xác trên ngọn cây hoặc vùi dưới bùn, 2 người còn lại đến nay vẫn còn mất tích.
       Sáng ngày 23/09/2013, Ủy Ban YTXH-TLH phối hợp với Ban Đại Diện Tin Lành tỉnh Đắk Lắk có chuyến viếng thăm các gia đình bị nạn. Đoạn đường chỉ hơn 100km nhưng chúng tôi đã đi hơn 4 giờ đồng hồ vì có những nơi bị lún sâu xe không thể qua được. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà thờ Tin Lành là điểm nhóm trong Thôn 15 của người H’mông. Đây là ngôi nhà mái tôn, vách ván, nền đất dài khoảng 30m rộng khoảng 10m. Trong nhà thờ có những tấm ván dài kê làm ghế ngồi để nhóm thờ phượng Chúa, ở giữa và phía sau có một số ghế nhựa để dễ dàng di chuyển hoặc thu gọn lại. Điểm nhóm có tất cả 222 hộ gia đình gồm khoảng 1.432 người đến từ 4 thôn nằm gần nhau, thôn 13, 14, 15, và 16. Điểm nhóm được chính thức thành lập năm 2010 sau một thời gian nhóm tại nhà riêng. Các tín hữu đã tụ tập tại điểm nhóm rất đông khi biết chúng tôi ghé thăm. Một điểm nhóm khác của người Dao ở thôn 16 cũng có đông tín hữu kéo đến đây để gặp chúng tôi. Đa số họ là các gia đình bị thiệt hại mùa màng do trận lũ vừa qua.
       MS Trưởng Ban Đại Diện và đại diện Ủy Ban YTXH-TLH có lời chào thăm và chia buồn cũng như động viên an ủi các gia đình bị thiệt hại do trận lũ vừa qua. Chúng tôi tìm hiểu nhanh và quyết định giúp đỡ 76 gia đình bị thiệt hại mỗi gia đình 1 triệu đồng gồm 43 gia đình người H’mông, 32 gia đình người Dao và 1 gia đình người Sán Chỉ. Ngoài ra chúng tôi cũng mang theo nhiều quần áo cũ, vật dụng, và 1 tấn gạo để giúp cho các hộ gia đình thiếu ăn. Con cái Chúa rất vui mừng vì thấy sự quan tâm của giáo hội không chỉ với những gia đình có người qua đời mà nhiều hộ nghèo bị thiệt hại mùa màng cũng được nhận sự trợ giúp.



       Sau khi thăm Điểm Nhóm, chúng tôi ghé đến thăm các gia đình có người bị lũ cuốn trôi. Gia đình đầu tiên tôi ghé thăm là hộ của anh Đào Văn Phương. Hôm đó anh không đi làm vì ở nhà cùng với 2 cháu nhỏ 11 và 7 tuổi. Vợ anh là chị Dương Thị Hoa và con là Đào Thị Nhình (8 tuổi) đã bị nước cuốn trôi. Anh nói “vợ mất rồi giờ tôi cố gắng nuôi 2 con nhỏ. Tôi mất mác quá lớn không chỉ vợ con mà còn cả cha mẹ nữa.” Cháu 11 đã được đi học và cháu 7 tuổi thì vẫn chưa được đến trước mặc dù đã đến tuổi đi học. Cả gia đình anh đã mất 4 người trong trận lũ vừa qua (gồm cả cha mẹ ruột)!
       Đối diện bên kia đường là một gia đình khác có đến 2 người bị nước cuốn trôi vừa được chôn cất trước đó vài hôm. Đó chính là cha mẹ ruột của anh Đào Văn Phương trong gia đình đầu tiên. Ông Đào Văn Dinh và bà Hầu Thị Mỵ đang sống với gia đình người con trai nhỏ. Hôm xẩy ra sự việc chỉ có ông bà đi làm trong rẫy và 2 người không biết bơi nên đã bị lũ cuốn trôi đi. Hai vợ chồng người con nghẹn ngào không nói nên lời vì cả cha và mẹ ra đi là một sự mất mác quá lớn cho gia đình của họ.

       Kế đến, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Đào Văn Thanh, người biết bơi và sống sót trờ về. Anh kể cho chúng tôi nghe và khóc nức nỡ vì nhìn thấy mọi người trôi trong dòng nước mà không làm được gì để cứu họ. Anh khẳng định vợ anh, chị Lý Thị Dĩ, đã qua đời mặc dù chưa tìm thấy xác, vì chính anh đã thấy chị bị cuốn vào trong dòng lũ. Anh chị có 5 người con tất cả vẫn đang sống chung với anh chị và chưa lập gia đình, may mắn hôm đó chỉ có anh chị đi làm. Hôm chúng tôi đến thăm, 2 con lớn của anh vẫn còn đi tìm mẹ tại nơi lũ cuốn.
       Chúng tôi đến thăm gia đình cuối cùng tại một thôn khác, cũng là gia đình tang thương nhất. Gia đình này có 7 người gồm 2 vợ chồng anh chị Đào Văn Lý - Đào Thị Thủy và 5 con còn rất nhỏ. Căn nhà không có cửa và vách trông như một túp lều tạm bợ. Hôm xẩy ra sự việc chỉ có một cháu nhỏ ở nhà, còn lại 6 người đều vào trong rẫy. Chị vợ, một con nhỏ gần 2 tuổi, và cháu lớn 16 tuổi còn sống sót trở về nhưng đang nằm tại bệnh viện. Cô con gái lớn 16 tuổi đã khỏe và đang ở nhà với một em nhỏ. Người cha và 1 em nhỏ 4 tuổi đã được tìm thấy xác và chôn cất. Còn một em nhỏ Đào Thị Phương, 7 tuổi vẫn đang còn mất tích chưa tìm thấy. Tôi hỏi lý do các cháu không ở nhà mà gần hết gia đình vào ở trong rẫy thì biết được rằng, vì nhà chật và chẵng có gì trong nhà để trông coi, vả lại tất cả các cháu đều không có điều kiện để đến trường nên theo bố mẹ vào rẫy.



       Thăm qua 4 gia đình, chúng tôi thấy như chính mình trải qua một cú sốc. Mặc dù đã được yên ủi bởi Hội Thánh và niềm hy vọng trong Chúa ở nước thiên đàng, nhưng sự chia ly đã không thể nào làm cho họ không buồn, nhất là những gia đình đã chia ly đến 2-3 người cùng một lúc. Ủy Ban YTXH-TLH và Ban Đại Diện tỉnh đã quyết định giúp đỡ gia đình của mỗi người bị qua đời cũng như mất tích là 5 triệu đồng/người, những người đã trở về là 1 triệu đồng/người. Tổng số tiền giúp đỡ của Hội Thánh Chúa là 140 triệu đồng gồm Ủy Ban YTXH (90 triệu) và các HT trong tỉnh là 50 triệu đồng. Chúng tôi rất cảm động khi thấy các HT anh em người Ê-đê và Gia-rai đã quyên góp và gửi đến các gia đình bị nạn. Dọc đường đi, họ đã dừng xe chúng tôi lại và gửi các phong bì mà các điểm nhóm đã quyên góp và chuẩn bị sẵn. Số tiền dù không lớn nhưng đã nói lên tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.
       Thầy Lý Văn Mày đã bày tỏ với chúng tôi trong sự xúc động. Lần đầu tiên HT Chúa tại đây gặp hoạn nạn và mất mác qúa lớn và cũng là lần đầu tiên thầy cảm nhận được sự ấm áp và chia sẻ của giáo hội, của anh em đồng niềm tin với HT người H’Mông tại đây. Ủy Ban YTXH và Ban Đại Diện đến không chỉ giúp các gia đình có người qua đời với sự thương xót nhất thời mà cũng quan tâm đến các gia đình tín hữu khác bị thiệt hại mùa màng do lũ lụt gây ra.
       Suốt chuyến thăm, chúng tôi có dịp tìm hiểu các nhu cầu của cộng đồng và biết có rất nhiều em nhỏ chưa đến trường. Đầu năm các em phải đóng tiền 400-500 ngàn đồng, các gia đình không có khả năng đóng cho một lúc 2-3 cháu nên cho ở nhà hết. Có một số cháu đang đi học nhưng không biết có tiếp tục được không vì đến nay vẫn chưa có tiền đóng học phí. Thầy Lý Văn Mày cho biết nhiều gia đình có hướng trở về miền Bắc sinh sống vì ở đây dù có đất đai làm hoa màu nhưng chi tiêu quá nhiều. Tất cả mọi thứ phải mua, ngay cả rau cũng không trồng được vì không có nước tưới. Gần đây họ đã có điện nhưng vẫn chưa có máy móc để bơm nước trồng trọt. Họ rất cần hạt giống để làm những vườn rau trong mùa vụ tới.
       Rất mong sự quan tâm của Hội thánh và con cái Chúa giúp cho các làng H’mông có số vốn để phát triển chăn nuôi và trồng trọt nhằm cải thiện đời sống trong thời gian tới. Các con cái Chúa của chúng ta ở đây đang cần giúp làm giếng nước, máy bơm, hạt giống hoa màu và giống vật nuôi. Hàng chục các cháu nhỏ đang rất cần tiền để đóng học phí và mua sách, tập, nếu không chắc chắn các cháu sẽ thất học ngay từ tuổi nhỏ. Cùng cần nhiều sự giúp đỡ để các gia đình nghèo của anh chị em tín hữu H’mông, Dao, Sán chỉ ở địa bàn này có thể xây dựng lại những căn nhà thô sơ đã bị xiêu vẹo qua những trận mưa to gió lớn vừa qua.
       Muốn thật hết lòng!

       Viết tại Đăk Lăk ngày 23/09/2013
       Một thành viên Ủy Ban YTXH-TLH

       --------------------------------
       [1] http://hoithanhtinlanhvietnam.org/?do=news&act=detail&id=3340

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét