HTTLVN.ORG – Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Lâm Đồng kết hợp Ủy ban Cơ Đốc Giáo Dục Tổng Liên Hội tổ chức khoá bồi dưỡng Chấp sự, nhằm giúp các Chấp sự nắm bắt kỹ năng, xây dựng và rèn luyện phẩm chất bản thân, hầu cho công tác phục vụ Chúa của các Chấp sự tại Hội Thánh trong tỉnh kết quả tốt.
Thời gian diễn ra khoá bồi dưỡng trong 6 ngày (từ ngày 14/08 đến 19/08/2017) tại 3 trung tâm như sau:
Ngày 14 – 15/08/2017 tại trung tâm Thạnh Mỹ, (Chi Hội Thạnh Mỹ) do Mục sư Lê Hoàng Phúc giảng dạy, có 200 Chấp sự tham dự.
Ngày 16 – 17/08/2017 tại Trung tâm Bon Rơm (Chi Hội Bon Rơm) do Mục sư Bùi Phụng giảng dạy, có 250 Chấp sự tham dự.
Ngày 18 – 19/08/2017 tại Trung tâm Bảo Lộc (Chi Hội Bảo Lộc) do Mục sư Trần Thanh Dũng – Ủy viên Tổng Liên Hội giảng dạy, có 200 Chấp sự tham dự.
Tại Chi Hội Bon Rơm, Mục sư Bùi Phụng hướng dẫn về kỹ năng Chấp sự, về kỹ luật bản thân kỹ năng quản lý và giao tiếp. Bên cạnh đó, Mục sư hướng dẫn cách soạn một bài chia sẻ ngắn giúp cho các Chấp sự có nền tảng Kinh Thánh, có thể tự soạn cho mình những bài chia sẻ cho các Điểm Nhóm hoặc có thể chia sẻ cho các ban ngành trong Hội Thánh.
Cảm tạ Chúa qua khoá huấn luyện nhiều Chấp sự thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình, biết cách tổ chức công việc và áp dụng vào thực tế tại Hội Thánh địa phương, hầu cho các Quản nhiệm dễ dàng hơn trong công tác điều hành của Hội Thánh để công việc được ổn định và phát triển, danh Chúa được tôn cao.
TTV – Lâm Đồng MS Võ Đông Tiên & TĐ Nguyễn Thiện Phước
HTTLVN.ORG – Cảm tạ Chúa, chương trình bồi linh – thông công phụ nữ do Ban Phụ nữ HT Thông Tây Hội (Tp.HCM) tổ chức vào lúc 14 giờ Chúa nhật 20/8/2017 với gần 250 người tham dự từ 7 Hội Thánh trong và ngoài thành phố như: Cái Bè, Tân Thạch, Quới Sơn, Phú Xuân, Tân Thuận, Tuy Lý Vương và Ban Phụ nữ Thông Tây Hội.
Sau phần chào mừng của Ban Phụ nữ HT Thông Tây Hội, phu nhân MS Nhâm Hán Nam dâng lời cầu nguyện xin Chúa ban phước cho chương trình. Lần lượt các Ban Phụ nữ từ 7 Hội Thánh dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời lời suy tôn chúc tụng qua các Thánh ca.
Với đề tài Lẽ cần buộc tôi, nương trên Lời Chúa I Cô-rinh-tô 9:22-23 “Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó”, MSNC Lê An Khương – Quản nhiệm HT Thông Tây Hội – chia sẻ Lời Chúa. Bài chia sẻ nhấn mạnh tình yêu của Chúa đã buộc Phao-lô với dân ngoại để ông đến với họ và rao truyền Tin Lành. Dầu gặp nhiều đau buồn và phải hy sinh, Phao-lô vì tình yêu Chúa ban, và vì tình yêu ấy buộc ông với họ nên ông bằng lòng từ bỏ mọi điều để rao truyền và thực hành tình yêu đó. Tinh thần đó truyền đến chúng ta ngày nay để cũng hạ mình, hy sinh, ràng buộc mình với anh chị em cùng đức tin; cưu mang linh hồn tội nhân để giúp họ được cứu.
Lần lượt các phần sinh hoạt như trò chơi thư giãn tại chỗ vui nhộn và ý nghĩa thông công, tiết mục Đố Kinh Thánh về những gương nữ giới trong Kinh Thánh bằng nhiều hình thức sôi động và hấp dẫn được mọi người tham gia tích cực.
Buổi họp bạn bồi linh kết thúc qua tiệc buffet trước sân nhà thờ trong tình thân khắng khít giữa 7 Ban Phụ nữ với nhau.
Vào một buổi chiều nọ, anh Tôn thú thật với bạn của mình rằng anh sợ sẽ chẳng bao giờ cưới được vợ. Anh kinh doanh thành công và được tôn trọng giữa vòng những bạn cùng trang lứa, nhưng tận trong lòng anh vẫn thấy mình không xứng đáng, nhất là trong mối quan hệ với nữ giới. Khi gặp người nữ thích mình, Tôn cảm thấy không chắc chắn và tỏ ra lúng túng. Anh không muốn gì hơn là ổn định và tạo dựng một mái ấm, nhưng sự thiếu tự tin đã khiến anh không đủ can đảm để hẹn hò với ai. Không giống như Tôn, Phan là người quyền lực, đảm nhận hầu hết mọi tình huống và khá xấc xược. Mọi người nơi chỗ làm của anh đều thấy ái ngại mỗi khi đứng lên và bảo với anh rằng, “Không.” Anh áp đặt và buộc người khác làm mọi điều theo ý mình cả ở văn phòng lẫn trong đời sống riêng tư của anh. Năm ngoái vợ anh đã đòi ly thân với anh. Phan miễn cưỡng đồng ý để tìm đến tư vấn hầu cứu vãn hôn nhân của mình, và sau vài buổi gặp, anh thổ lộ rằng khi còn nhỏ lúc nào anh cũng cảm thấy thua kém người khác. Ba anh thường so sánh anh với người anh trai và lúc nào cũng chê trách anh về bất cứ điều gì anh làm không đúng. Để khỏa lấp cho sự thiếu tự tin, Phan học cách tìm kiếm quyền lực trên người khác. Đến khi vào phòng tư vấn, anh nghĩ cách này của mình vẫn có hiệu quả, dầu nhiều người đã oán giận, hay giữ khoảng cách với anh. Chỉ khi hôn nhân bị đe dọa, anh mới nhận ra rằng phong thái quá quyết đoán của bản thân đã ảnh hưởng thế nào trên những mối quan hệ của anh với người khác, nhất là trong mối quan hệ với vợ con. Cả Tôn và Phan đều bị thiếu hụt trong thời thơ ấu. Cha mẹ họ đã không thể đáp ứng một trong những nhu cầu lớn nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ- đó là nhu cầu ý thức về sự tự tin. Tự tin nói rằng, “Tôi có thể làm được điều đó, và tôi cũng có thể làm được những điều khác.” Điều này phản ánh sự bày tỏ về những khả năng và tiềm năng được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Nhiều trẻ thiếu tự tin lớn lên phải gánh chịu cảm giác không thể tự lo cho mình, yếu đuối và lo lắng như Tom. Chúng ngại thử điều lạ và gặp người mới. Sợ thất bại, chúng bỏ cuộc, lý luận rằng, “Nếu tôi không liều, tôi sẽ không thất bại.” Những trẻ khác thì giống nhưPhan, đi ngược lại, khống chế người khác để bù cho cảm giác thiếu năng lực hay khăng khăng giữ quan điểm riêng và thách đố quyền lực người khác. Chúng có hàng trăm cách để đưa thông điệp rằng, “Bạn không thể điều khiển tôi; tôi có quan điểm của mình.” Chúng cũng có thể tỏ ra có quyền lực bằng cách ra lệnh cho những đứa khác và trở nên như Napoleon tí hon vậy. Cũng giống như Phan, tính cách hay điều khiển người khác có thể theo chúng vào tuổi trưởng thành cho đến chừng chúng va phải những vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ. Hầu hết chúng ta ít nhiều cũng thiếu tự tin, nhưng Tôn và Phan lại có phần nhiều hơn. Những trẻ tự tin thật sẽ không rút lui và bỏ cuộc như Tôn, cũng không tìm cách khống chế và điều khiển người khác như Phan. Những trẻ tự tin sẽ sẵn sàng chia sẻ và hòa hợp với người khác vì chúng không có gì để chứng tỏ bản thân. Chúng có thể lãnh đạo, cũng có thể đi theo, chúng cũng có thể đưa lên ý tưởng và cảm xúc của bản thân ngay tại gia đình và với bạn bè trong tư thế sẵn sàng hợp tác. Khi những trẻ này khi lớn lên, chúng có thể hoạt động tốt trong nhóm. Nếu chúng đảm nhận vai trò lãnh đạo, chúng sẽ vẫn tôn trọng những người dưới quyền. Khi chúng trong mối quan hệ xã hội, chúng vẫn thoải mái tiếp cận và giao thiệp với người khác. Chúng không lúc nào cũng tốn sức để đoán mò về người khác, nhưng chính ý thức về sự an ninh, bình tịnh bên trong của chúng khiến cho người khác bị cuốn hút.
NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI Con trẻ được sinh ra hoàn toàn không có khả năng tự lực nên lệ thuộc trọn vẹn vào người khác. Suốt hai thập kỷ đầu tiên của cuộc đời, chúng phải liên tục học cách tự chăm sóc bản thân, tự quyết định, hoạt động thuần thục trong thế giới loài người.
Một trong những thách thức và cơ hội lớn nhất cho cha mẹ, ông bà và các nhà giáo dục là học cách giúp đỡ con trẻ phát triển ý thức về sự tự tin một cách lành mạnh và học cách biểu đạt ý kiến lẫn ước muốn, không quá bảo vệ con, không quá thả lỏng, hay quá kỷ luật mà dập tắt khả năng tự biểu đạt của chúng. Con trẻ cần chúng ta đưa ra những giới hạn hợp lý, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng để không phá nát nhu cầu cần thấy mình có khả năng và tự tin mà Chúa đã ban cho các em trong tiến trình phát triển của chúng. Dầu giai đoạn lý tưởng để bắt đầu xây dựng sự tự tin là những năm tập đi của trẻ, nhưng đừng lo nếu như con bạn đã lớn hơn tuổi đó và bạn vẫn chưa thực hiện tốt việc giúp con phát triển ý thức về sự tự tin. Chẳng bao giờ là quá trễ. Dưới đây là một số lời khuyên nhằm giúp con bạn ở mọi hạng tuổi phát triển sự tự tin.
NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG TÍNH TỰ TIN
Yêu thương các em
Quan tâm các em
Yêu thương và để trẻ biết chúng rất quan trọng trong mắt của bạn.
Khen ngợi trẻ về nỗ lực lẫn công việc mà chúng thực hiện tốt. Khen ngợi mang đến sự khích lệ và hãy để con biết bạn hài lòng về chúng. Đừng mong đợi sự hoàn hảo. Hãy để con biết rằng bạn chú ý đến những bước mà chúng đang thực hiện để tiến đến đích. Như các cầu thủ ma-ra-tông cần sự cổ vũ và hỗ trợ ở những chặng đường chạy khác nhau, con trẻ chúng ta cũng cần câu nói, “Con có thể làm được!”
Giúp con trẻ phát triển những mối quan hệ an toàn và đầy thú vị với những bạn cùng chơi. Khi con trẻ có những người bạn tốt, chúng thường sẽ tự tin hơn.
Tránh chỉ trích. Có người nói rằng, “Cần đến 99 lời khen để bù lại một lời chỉ trích.” Hãy nghĩ về mình. Có phải bạn có xu hướng nhớ lời chỉ trích hơn lời khen ngợi sao? Những lời phê bình mang tính chỉ trích dễ hằn sâu vào tâm trí và tác động trên cách chúng ta đánh giá điều mình nói hay làm, những lời đó cũng không bao giờ để chúng ta thỏa lòng với thành tích của mình. Chúng ta cần công nhận nỗ lực của con cái ngay cả khi chúng không làm “đúng” hoàn toàn một cái gì đó.
Tránh so sánh với người khác. Gia đình, nơi mỗi người được tôn trọng, được công nhận khả năng, ân tứ và tính cách độc nhất của bản thân, cũng chính là nơi con trẻ được phát triển tốt nhất về ý thức lành mạnh về sự tự tin. So sánh các con trong gia đình với nhau sẽ làm mất sự tự tin của trẻ và thay vào đó sự oán giận của trẻ đối với bạn và với những anh chị em khác trong gia đình sẽ tăng lên.
Từng bước dạy trẻ những kỹ năng mới. Con trẻ cần được học trong từng giai đoạn phát triển của chúng nếu không sẽ khiến chúng quá tải và bực bội. Để giúp trẻ tạo dựng sự tự tin, hãy chia nhỏ những nhiệm vụ được giao, và khen chúng trong những bước nhỏ đó. Có thể áp dụng cho mọi việc từ việc để trẻ ở tuổi mẫu giáo tự mặc đồ đến việc để những trẻ ở độ tuổi cấp 1 làm những việc nhỏ trong nhà, học một môn thể thao hay hoàn thành tốt bài tập ở nhà, đến việc để những trẻ ở tuổi thanh thiếu niên học cách lái xe gia đình hay quản lý tiền riêng.
Cho trẻ ở từng độ tuổi những cơ hội phù hợp để phát triển những kỹ năng mới và đảm nhận thêm trách nhiệm. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ lớn hơn. Khi bạn giao cho trẻ những nhiệm vụ mang tính thách thức nhưng không vượt ngoài khả năng của chúng, thì đây là lúc bạn đang giúp con hình thành ý thức về quyền làm chủ trong nhiệm vụ đó và điều đó sẽ khiến sự tự tin của trẻ được tăng lên.
Khích lệ trẻ chia sẻ quan điểm và ý kiến. Trẻ ở mọi hạng tuổi đều cần cha mẹ tôn trọng về suy nghĩ và quan điểm của chúng. Lắng nghe con không nhất thiết là chúng ta phải làm theo điều chúng muốn, nhưng có nghĩa rằng chúng ta nghiêm túc thu nhận ý kiến của con và để con biết rằng chúng ta tôn trọng sự đóng góp đó.
Cho trẻ tham gia vào những quyết định của gia đình. Con trẻ phát triển sự tự tin khi chúng biết ý kiến đóng góp của chúng là quan trọng. Khi ra ngoài ăn, hãy để con đưa ý kiến nơi có thể đi, món ăn sẽ đặt hay nơi sẽ ngồi trong nhà hàng. Một số gia đình thấy việc họp mặt gia đình đều đặn là hữu ích. Trong những buổi họp mặt gia đình, bạn có thể xin ý kiến con về những quyết định, chẳng hạn như nơi sẽ đi trong kỳ nghỉ hay sẽ làm gì vui vào cuối tuần sắp tới. Bạn sẽ không phải luôn làm theo đề nghị của con, nhưng việc tiếp thu ý kiến của con sẽ giúp con cảm thấy mình quan trọng và đây cũng là cách xây dựng sự tự tin cho trẻ.
Nhận ra những khả năng và ân tứ đặc biệt của con, đồng thời cho con cơ hội phát triển. Là cha mẹ, chúng ta đều biết các con không giống nhau, nhưng đôi khi chúng ta chưa nghĩ đến sự ảnh hưởng của điều đó trên việc nuôi dạy con của mình.
Nếu đứa con thứ nhất của bạn có khả năng hội họa, đứa thứ hai có khả năng về thể thao, đứa thứ ba lại là đứa thâm trầm sâu sắc hay có khả năng đồng cảm tốt, thì hãy tìm cơ hội để xác nhận những ân tứ độc nhất đó của con. Hỗ trợ từng đứa để giúp chúng trở nên những người đặc biệt theo cách Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng. Khi bạn làm điều đó, trẻ sẽ bắt đầu nếm biết sự tự tin qua việc thực hiện những điều chúng giỏi và thích nhất.
Để trẻ biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng thật đặc biệt và chúng có thể sử dụng ân tứ để phục vụ Ngài và những người khác. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân tứ để mang đến phước hạnh cho người khác và khi làm như vậy chúng ta sẽ trãi nghiệm sự thỏa lòng. Con cái của bạn cũng vậy. Khi bạn giúp con phục vụ Chúa và người khác, cũng có nghĩa là bạn tạo nên chất lượng cho tương lai của con. Bạn cũng giúp con sống bày tỏ kiểu mẫu đời sống mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng. Điều đó mang đến cho con trẻ ý thức về mục đích và sự tự tin.
THIÊN PHÚ TUYỆT VỜI. Mỗi trẻ đều được Chúa ban cho một nhu cầu sâu xa đó là nhu cầu cảm biết ý thức về sự tự tin. Sự tự tin dẫn đến sự lạc quan về tương lai và khiến trẻ sẵn sàng vươn ra nếm thử điều mới lạ. Đây là một nền tảng tuyệt vời cho cả sức khỏe thuộc linh, tình cảm và các mối quan hệ. Khi trẻ thiếu tự tin, chúng sẽ thấy lo lắng và sợ sệt và thế là hoặc bị kẹt lại trong đó hoặc bị ma quỷ cám dỗ trong việc tìm kiếm quyền lực và quyền điều khiển trong điều gì khác. Trẻ phát triển sự tự tin thông qua việc nếm thử điều mới lạ và được phép thất bại lẫn thành công trong một môi trường được hỗ trợ. Trên con đường dẫn đến sự tự tin trưởng thành, con trẻ hầu hết phải trải qua một số khó khăn trong cuộc sống và sự nghi ngờ bản thân. Chúng ta cần học cách đồng đi với con trong những thời khắc đó để lắng nghe và khích lệ chúng. Những trẻ tự tin có khuynh hướng lớn lên thành những thiếu niên không bị bắt phục bởi những áp lực của các bạn trang lứa. Khi lớn lên, chúng sẽ thành những người lớn có ý thức lành mạnh về bản thân và có thể vươn lên trong những mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp lẫn trong đời sống thuộc linh. Còn món quà nào tốt hơn mà chúng ta có thể mang đến cho con trẻ?
Ngày nay, có không ít các bạn trẻ rơi vào tình trạng hoang mang trước những quyết định quan trọng của cuộc đời mình. Bạn sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học và không biết mình nên thi vào ngành nào, ngay cả những bạn trẻ đang học tập trong môi trường Đại học cũng có những sự phân vân của riêng mình về con đường tương lai phía trước.
Con đường nào sẽ là con đường tốt nhất cho chúng ta? Con đường nào phù hợp nhất với mình? Chắc hẳn ai cũng muốn có câu trả lời thỏa đáng nhất.
Chúa hiểu rõ bạn hơn cả bạn hiểu về chính mình
Lựa chọn một ngành nghề không chỉ đơn giản là đi theo ý muốn của mình. Hồi bé, có thể bạn đã từng ước mơ trở thành bác sĩ, ca sĩ,… nhưng nhiều khi chúng ta không có khả năng để làm việc trong lĩnh vực ấy.
Ứơc mơ là một điều tốt, chúng ta cần có những ước mơ tốt đẹp để xây dựng những mục đích của cuộc đời. Tuy nhiên, nếu ước mơ ấy là viển vông, thì nó không còn là ước mơ nữa, nó sẽ trở thành sự ảo tưởng.
Hãy cầu nguyện với Chúa xin Ngài hướng dẫn bạn để quyết định đúng đắn. Hãy xem xét lại những khả năng mà Chúa ban cho bạn. Nếu bạn vẫn chưa thể nhận ra khả năng của mình, mình hợp với ngành nghề nào thì cũng đừng lo, Chúa là người hiểu bạn hơn cả bạn tự hiểu về chính mình, vì vậy cầu hỏi ý Chúa là bước đầu tiên khôn ngoan để đi đến một quyết định đúng đắn.
“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con”(Châm Ngôn 3:6).
Hãy cầu xin sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời
Bây giờ, hãy xem thử bạn yêu thích lĩnh vực nào, và bạn đã tích lũy được gì ở trong lĩnh vực đó. Hãy đặt sở thích của mình bên cạnh sự hiểu biết về ngành nghề.
Nếu bạn được Chúa ban cho khả năng ca hát, bạn cũng rất thích hát nữa, nhưng hãy dừng lại và suy nghĩ xem bạn sẽ trở thành một ca sĩ như thế nào. Hãy xem xét tính chất nghề nghiệp mà bạn muốn làm. Cuộc sống nổi tiếng của giới nghệ sĩ ở ngoài thế gian có phù hợp với bạn không? Và quan trọng hơn hết là nó có đẹp lòng Chúa không? Nếu bạn muốn trở thành một ca sĩ Cơ Đốc thì bạn sẽ trở thành một người ca sĩ như thế nào?
Nếu bạn rất muốn học về kinh tế, hãy xem xét xem mình sẽ trở thành một người kinh doanh như thế nào? Những người làm ăn kinh doanh thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ rất mạnh mẽ về tiền bạc. Bạn có quyết chí sống theo tiêu chuẩn của Chúa không? Hay bạn sẵn sàng để chiều theo thói xấu của thế gian trong kinh doanh vì “ai cũng như thế”?
Đừng lo lắng vì Chúa hướng dẫn bạn nếu bạn cầu hỏi Ngài
Nghĩ đến những thiệt – hơn, những khó khăn khi quyết định chọn ngành nghề và làm việc với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy lo lắng.
Sẽ ra sao nếu bạn quyết định trở thành ca sĩ Cơ Đốc? Bạn sẽ chẳng có nhiều tiền bằng việc nổi tiếng như thế gian. Bạn sẽ sống chật vật lắm! Sẽ ra sao nếu bạn kinh doanh mà không chiều khách hàng uống vài lon bia, công việc của bạn sẽ ra sao nếu mình không đút lót cho người này người nọ? Bạn rất dễ nhìn thấy những khó khăn khi mình quyết định sống theo ý Chúa, nhưng….
Phước hạnh lớn nhất của chúng ta không đến từ thế gian
Trong Thi Thiên 115:13, Lời Chúa chép rằng:“Ngài sẽ ban phước cho những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va, Hoặc nhỏ hay lớn đều cũng vậy”.
Hãy tin cậy rằng Chúa sẽ chỉ dạy, hướng dẫn con đường tốt nhất cho bạn, đồng thời kèm theo đó phước hạnh mà Chúa ban cho người kính sợ và làm theo lời Chúa.
Đừng lo ngại vì vấp phải những ngăn trở, vì “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.
Và bạn ơi, nhớ rằng, tất cả mọi thứ đều là Chúa ban cho, dù lựa chọn gì, làm công việc gì, hãy làm công việc hết lòng, sử dụng những gì Chúa ban để làm vinh hiển danh Chúa hơn cả.
“Ai là người kính sợ Đức Giê-hô-va? Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn” Thi Thiên 25:12.
HTTLVN.ORG – Vào lúc 8 giờ 30 ngày 18/8/2017 tại nhà thờ Tin Lành Gia Định, Ban Đại diện Tin Lành TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy Ban Cơ Đốc Giáo dục TLH tổ chức chương trình huấn luyện Chấp sự.
Về dự có Mục sư Phan Văn Cử – Tổng Thủ quỹ TLH, diễn giả khóa học; Mục sư Nguyễn Thế Hiển – Ủy viên TLH, Trưởng BĐD; cùng khoảng hơn 200 Chấp sự từ các Hội Thánh.
Mục sư Nguyễn Thế Hiển chào mừng, giới thiệu nội dung khóa học và cầu nguyện khai lễ. Mục sư Phan Văn Cử – Tổng Thủ quỹ TLH – dùng Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 4:15 “Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó, hãy cho mọi người thấy sự tấn tới của con” để khích lệ các Chấp sự tham gia khóa học.
Nội dung khóa học được diễn ra từ 18-19/8/2017, diễn giả sẽ triển khai Nội quy – Giáo luật – Kỷ luật của Tổng Liên Hội đã được hiệu đính ban hành tháng 6/2016, giúp cho Chấp sự biết những nguyên tắc, công việc điều hành trong Hội Thánh.
CTV. Minh Cảnh THT Một số hình ảnh ghi nhận:
Quang cảnh buổi huấn luyện
Mục sư Nguyễn Thế Hiển chào mừng, giới thiệu và cầu nguyện khai lễ
HTTLVN.ORG – Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Lâm Đồng kết hợp Ủy ban Thanh Thiếu nhi Tổng Liên Hội tổ chức chương trình bồi linh thanh niên tỉnh Lâm Đồng tại hai khu vực.
Ngày 10/08/2017, khu vực phía Bắc tỉnh Lâm Đồng tại Chi Hội Bon Rơm, huyện Đức Trọng, có khoảng 2800 thanh niên tham dự. Ngày 11/08/2017, tại Chi Hội Bảo Lộc có 800 thanh niên tham dự.
Hiện diện chương trình gồm có Mục sư Phạm Trọng Huy – Ủy viên Tổng Liên Hội, Chuyên trách Ủy ban Thanh Thiếu nhi – làm diễn giả; Mục sư Kon Sa Ha Hăck – Ủy viên Mục vụ tỉnh Lâm Đồng; Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Lâm Đồng và các bạn trẻ từ các nơi xa gần trong tỉnh về dự.
Buổi sáng tại Chi Hội Bon Rơm, sau khi các ca đoàn lần lượt góp phần ca ngợi Chúa, Mục sư Phạm Trọng Huy – Ủy viên Tổng Liên Hội – giảng luận với đề tài: “Tình yêu trong Thánh Kinh”, dựa trên câu Kinh Thánh nền tảng Sáng Thế Ký 2:18 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt, ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”.
Buổi chiều, Mục sư Phạm Trọng Huy tiếp tục giảng luận đề tài: “Tình dục trong hôn nhân” câu Kinh Thánh nền tảng: “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4) vừa khuyên lơn, vừa nhắc nhở các bạn trẻ cần có thái độ đúng đắn với tình dục trong hôn nhân.
Chương trình bồi linh thanh niên được diễn ra trong không khí vui vẻ và phước hạnh, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng trong hôn nhân gia đình. Là những giới trẻ Cơ Đốc cần phải hành động tích cực xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mục sư Cilmup Ha Kar thay cho Ban tổ chức tỏ lòng cảm ơn và tặng quà.
Chương trình kết thúc vào lúc 16 giờ 30 cùng ngày sau lời chúc phước của Mục sư Phạm Trọng Huy. Các bạn trẻ chia tay nhau ra về trong lưu luyến.
TTV – Lâm Đồng MS Võ Đông Tiên & TĐ Nguyễn Thiện Phước
Sáng 15/8/2017, Trường Thánh Kinh Thần Học Hà Nội (TKTHHN) hân hoan tổ chức Lễ Khai Giảng năm học 2017 – 2018.
Chung dự Lễ khai giảng có:
Về phía Giáo hội và Trường: Thường trực Ban Trị sự Tổng hội, Quý vị Mục sư, Giáo sư cùng một số Hội thánh khu vực Hà Nội.
Về phía khách mời có đại diện: Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo TP Hà Nội và Ủy ban Nhân dân phường Hàng Bông.
Trường TKTHHN thành lập năm 2013, sau hơn 4 năm Trường đã chiêu sinh 3 khóa học với tổng số là 88 sinh viên. Với phương châm đào tạo của Trường là: Kiến thức sâu nhiệm, Nhân cách biến đổi và áp dụng thực tế. Năm nay sẽ có hai khóa học tập tại Trường, một khóa thực tập tại các Hội thánh địa phương.
Diễn tiến Lễ khai giảng qua các hình ảnh ghi nhận:
Thầy Trần Văn Phi hướng dẫn chương trình Lễ
Mục sư Hoàng Văn Luân – Tổng Thủ quỹ cầu nguyện khai lễ
Thì giờ thờ phượng Chúa!
Mục sư Nguyễn Đức Đồng – Giám quản Trường giới thiệu các đoàn khách chúc mừng Lễ khai giảng
Bà Thiều Thị Hương – Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo CP chúc mừng
Ban Tôn giáo TP Hà Nội chúc mừng
Ủy ban Nhân dân phường Hàng Bông chúc mừng
Hội thánh Hà Nội chúc mừng
Hội thánh Bê-tên Hàn Quốc chúc mừng
Ban hát tân sinh viên K3 tôn vinh Chúa bản Thánh ca: Tuổi xuân dâng Chúa như một lời hứa nguyện, cam kết dâng cuộc đời phục vụ Chúa và tha nhân
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc – Hiệu trưởng Trường giảng lời Chúa với tựa: Người mới bước đi mới, trưng dẫn KT Ê-phê-sô 5:1-16. Hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm. Ê-phê-sô 5:2
Giáo sư Daniel Owens tâm tình với các sinh viên
Quý vị Mục sư, Giáo sư cầu nguyện chúc ơn cho các sinh viên
(THROUGH TEARS TO TRIUMPH)Tác giả: John Wallace StephensonBiên dịch: Quốc Vỹ
Tác giả đã có một trải nghiệm đau buồn sâu sắc khi mất đi hai người thân yêu nhất của đời mình, vợ và con gái. Ông đã trải qua những ngày sống trong tình trạng khủng hoảng, cô đơn, mất ngủ và kiệt sức.
Ông đã chia sẻ lại tất cả những nỗi thống khổ của ông khi đối mặt với cú sốc lớn lao này và kinh nghiệm đắc thắng trong nước mắt để vượt qua nỗi đau mất mát khi trở lại với công trường truyền giáo tại Nam Phi.
Những chia sẻ của ông sẽ làm mới lại sự tin cậy của bạn nơi lòng nhân từ cùng sự an ủi lớn lao bởi sự hiện diện không hề dứt của Chúa Thánh Linh hầu có thể vượt qua nước mắt để đắc thắng cách khải hoàn.
Sách Vượt Qua Nước Mắtđể Đắc Thắng còn có những câu hỏi gợi ý để giúp người đọc được nhắc nhớ qua Lời Chúa và những kinh nghiệm thực tế của tác giả để chia sẻ trong những buổi nhóm của ban ngành tại Hội Thánh địa phương.
Quý vị có thể tìm thấy quyển sách mới Vượt Qua Nước Mắtđể Đắc Thắng này tại các Phòng Sách Cơ Đốc Giáo Dục trên toàn quốc với giá bìa 40.000VNĐ.
Xin liên lạc với các phòng sách Cơ Đốc Giáo Dục tại những địa chỉ sau:
Tổng Liên Hội155 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
ĐT: (08) 6659-4588; 091-385-5208
Cơ sở 2 Tổng Liên Hội633 đường 3/2, Quận 10, Tp. HCM
ĐT: (08) 3957-5255; 091- 802-1547
30 Lê Thành Phương, TP. Nha TrangĐT: (058) 381-0200; 098-333-6200
270 Lê Duẩn, TP. Đà NẵngĐT: (0511) 375-2757; 090-381-2483
Giao tiếp là sự tương tác hai chiều bằng ngôn ngữ được hình thành rất sớm của một con người từ khi được sinh ra cho đến khi kết thúc đời tạm. Người Việt Nam quan tâm hàng đầu là đạo đức, vì vậy lễ giáo luôn được coi trọng. Câu ca dao tục ngữ dạy về sự giao tiếp được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Sảy chân gượng lại còn vừa, sảy miệng biết nói làm sao bây giờ” không những chứa đựng lời khuyên dạy, mà còn là kinh nghiệm sống quý báu qua lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày trong gia đình, hàng xóm, và các mối quan hệ cộng đồng.
Giao tiếp của con người gồm hai môi trường, giao tiếp trực tiếp còn gọi là giao tiếp thực, con người trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ, ánh mắt, nét mặt, giao tiếp gián tiếp qua các phương tiện truyền thông có thể tạm gọi là giao tiếp ảo, người giao tiếp đôi khi không biết nhau nhưng có thể chuyện trò hay luận về vấn đề nào đó.
Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh dạy về cách cư xử qua các mối giao tiếp giữa người với người rất sâu sắc “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối …” (Cô-lô-se 4:6a), lời nói có ân hậu là lời yêu thương, lời đúng mực, lời chân tình, lời đem đến sự gây dựng có sức lan tỏa tích cực đến người nghe, hầu con người hiểu nhau, cảm thông nhau và cùng làm việc với nhau. Song, yếu tố cần có phải là đúng lúc, đúng chỗ, hợp lý, hợp tình “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát vàng có cẩn bạc” (Châm ngôn 25:11). Em là thiếu niên Cơ Đốc là rường cột của Hội Thánh ngày mai, chủ của đất nước trong tương lai em cần xây dựng giá trị sống đúng đắn theo Lời Chúa dạy trong cách giao tiếp.
Giao tiếp thực. Thứ nhất, với người lớn em phải kính trọng, vì Lời Chúa dạy (I Phi-e-rơ 2:17a) “Hãy kính mọi người” phải kính trọng, không khinh thường, không phê phán người lớn, không theo một đám đông nào nói về một người mà điều đó không đem đến sự gây dựng. Đến bất cứ nơi nào, em là người nhỏ phải cung kính thưa chào người lớn trước, nhường người lớn đi trước ngồi trước, không ngồi đầu bàn khi trong bàn có người lớn, không xen vô câu chuyện của người lớn đang nói, khi cần nói gì phải chờ người lớn nói hết câu, không đi ngang mặt khi người lớn đang nói chuyện, đưa vật gì cho người lớn phải đưa bằng hai tay dù vật đó rất nhẹ. Nói chuyện với ông bà, ba mẹ, thầy cô em phải lễ phép, thưa gửi đầu câu, nói lời cám ơn và xin lỗi đúng lúc. Gặp đầy tớ Chúa và người lớn, em nên lễ phép con thưa ông mục sư, con thưa bà mục sư, con thưa ông, con thưa bà, con thưa bác, con thưa cô,… em tuyệt đối không nên vừa đi vừa nói chào mục sư, chào bà, chào ông, chào cô,… từ chào chỉ dùng với bạn đồng trang lứa em.
Thứ hai, với bạn đồng trang lứa em phải “yêu anh em” (I Phi-e-rơ 2:17b), trong cách xưng hô không nên gọi bạn bằng mày xưng tao hãy gọi bằng bạn xưng tên, phải ôn hòa “coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3c), không khiêu khích, chê bai bạn không có cùng sở thích giống em. Quan hệ bạn bè phải bình đẳng không xem thường bạn dở hơn, luôn luôn nói thật với bạn, cảm thông chia sẻ, động viên giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn bằng tình yêu thương chân thật và luôn lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến của bạn, không kể bí mật của bạn mà em biết cho bạn khác nghe, cũng không đem khuyết điểm của bạn làm trò vui, cám ơn và xin lỗi bạn đúng lúc, không áp đặt ý kiến, suy nghĩ của em lên bạn, tránh chỉ trích nhau khi có chuyện sai “…nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29b)
Thứ ba, với bạn nhỏ hơn, em phải “lấy lòng yêu thương chẳng phai”(Ê-phê-sô 6:24) mà giúp đỡ tận tình, không bắt nạt hay lớn tiếng, không chê cười, không nói mày tao và cư xử hết sức mềm mại. Em không chỉ xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng kính trọng yêu thương theo Lời Chúa dạy ở trong nhà thờ, nhưng em cần bày tỏ cách cư xử ấy nơi trường học với thầy cô và bạn bè với người xung quanh nơi em đang sinh sống và qua đó người khác sẽ thấy Chúa Giê-xu qua cách cư xử phải lẽ của em
Giao tiếp qua phương tiện trung gian được nối kết rộng qua facebook, zalo, diễn đàn (forum) chữ viết là công cụ diễn đạt suy nghĩ lại bằng ngôn ngữ, phép lịch sự trong giao tiếp thực dễ dàng bỏ qua nhưng lại phổ biến về lối viết bỏ bớt ký tự của chữ, như “ngôn ngữ Tiếng Việt” viết thành “nGuN nGữ TiẾg VịT”…, viết nữa tiếng Anh nữa tiếng Việt như “hôm nay bạn có rảnh không?” viết thành “2day u co ranh o?”… để tiết kiệm thời gian và tạo nên sự lệch lạc ngôn từ, cặp theo chuẩn mực trong giao tiếp ngoài đời cũng không còn.
Người viết khích lệ, em giao tiếp thực như thế nào thì các mối giao tiếp qua phương tiện trung gian cũng thể ấy, đặc biệt trong cách diễn đạt suy nghĩ lại em không nên viết tắt bất hợp lý như trên. Tuy chỉ mang tính cá nhân nhưng lâu dần thành thói quen và sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi em dùng ngôn ngữ chat hay chữ viết tắt trong các bài làm.
Trong cuộc sống biết bao điều phức tạp nảy sinh nên lời ăn tiếng nói có tầm quan trọng hàng đầu “lưỡi mềm dịu bẻ gãy các xương” (Châm ngôn 25:15b) và “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khoẻ mạnh cho xương cốt” (Châm ngôn 16: 24) em được trang bị kiến thức để vào đời với sự tự tin và tư duy sáng tạo, thì điều em không thể thiếu đó là rèn luyện và nuôi dưỡng nhân cách sống kính trên nhường dưới, đó là đạo đức, là gốc rễ, là vẻ đẹp bên trong của một con người, dẫu tri thức sâu rộng nhưng đạo đức trao dồi chưa đủ thì cũng trở nên người sống thực dụng. Có niềm vui nào hơn hàng ngày luôn nghe những lời nói đẹp đem đến sự nâng đỡ, gây dựng “Vậy nên, …phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” (II Phi-e-rơ 1:5-8)
Cầu Chúa thêm ơn trên em đã rèn luyện, nuôi dưỡng nhân cách qua các mối giao tiếp thì cứ tiếp tục cách bền chí, em chưa rèn luyện nhân cách qua các mối giao tiếp nên bắt đầu từ bây giờ hầu mỗi em đều “nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn” (Ê-phê-sô 4:13b), được như vậy Hội thánh Đức Chúa Trời ngày mai có những rường cột vững chắc, đất nước ngày mai có những con người tài đức vẹn toàn, ấy cũng “là một sự yên ủi lòng” (Cô-lô-se 4:11b) bật sanh thành đã nuôi dưỡng và anh chị hướng linh đã hướng dẫn em.
Xã hội ngày nay thay đổi một cách nhanh chóng về mọi phương diện, dường như lấn lướt những cái xưa cũ để thay đổi những cái mới lạ vì cho là những cái cũ không còn hợp thời. Nhiều bạn trẻ ngày nay muốn cái gì cũng mới, hay, và độc đáo mới là phong cách hiện đại. Các bạn trẻ Cơ Đốc trong Hội Thánh cũng muốn đem cái mới lạ, độc đáo bên ngoài vào và cho là như thế mới theo kịp thời đại của giới trẻ bên ngoài xã hội và như thế mới thu hút các bạn đến trong giờ nhóm. Vì họ cho rằng giờ thờ phượng Chúa theo phong cách truyền thống của Hội Thánh đã không còn hợp thời trong thời đại ngày nay, với lý do “Giờ thờ phượng nhàm chán, không thu hút, quá gò bó, khuôn khổ…” và họ thắc mắc “Có nên đưa những hình thức như giới trẻ bên ngoài vào trong giờ thờ phượng Chúa hay không, tại sao?”; “Có chấp nhận ý kiến của một số người muốn đưa những “điều lạ” vào trong Hội Thánh với hy vọng tạo nên sự sôi nổi trong giờ thờ phượng?” đây là những lý do tưởng chừng hợp lý khiến tỉ lệ giới trẻ rời khỏi Hội Thánh ngày càng gia tăng. Vậy, đâu là câu trả lời đúng cho những lý do này? Và sự thờ phượng đúng theo Kinh Thánh là thế nào? Những lời giải đáp này chắc chắn sẽ giúp các em có những quyết định và hành động đúng đắn trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết.
1/“Em nghĩ giờ thờ phượng quá nhàm chán, nên không đi nhóm nữa…”. Quyết định không đi nhóm vì sự thờ phượng quá nhàm chán có đúng không? Câu trả lời cho câu hỏi này là: KHÔNG! Vì:
+Thứ nhất: Ý nghĩa của sự thờ phượng Đức Chúa Trời là ca tụng thân vị, bản tánh, thuộc tánh, mỹ đức và sự trọn vẹn của Ngài. Chúa của chúng ta là Đấng Thánh, chân thần không như các giáo chủ khác ở đời này. Chúng ta tôn vinh Chúa vì chúng ta được Ngài tạo nên theo hình ảnh Ngài, được Ngài cứu chuộc khỏi xiềng xích của tội lỗi, chúng ta tôn vinh Chúa vì biết ơn Ngài bởi Ngài đã ban cho chúng ta nhiều ơn phước thiêng liêng ở các nơi trên trời. “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài;” (Thi Thiên 29:2a). Cho nên, thái độ nhàm chán trong sự thờ phượng là chúng ta đang nghĩ cho cảm xúc, sở thích của mình hơn mục đích ngợi khen Chúa. Nghĩa là cái tôi xác thịt đặt cao hơn sự vinh hiển của Chúa.
+Thứ hai: Sự thờ phượng là mệnh lệnh mà Chúa đòi hỏi Cơ Đốc Nhân phải thực hiện. Hầu hết các câu Kinh Thánh đề cập đến sự thờ phượng đều bắt đầu bằng từ: “Hãy ngợi khen, hãy thờ phượng…”. Khi đáp ứng mệnh lệnh thờ phượng Chúa nghĩa là đang dâng cho Chúa của tế lễ tốt nhất “sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22b). Trong sự thờ phượng, cũng cần phải trả giá vì “ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi” (II Sa-mu-ên 24:24b), Chúa muốn chúng ta dâng của lễ không tì vít, một tinh thần thờ phượng tự nguyện. Vô tình, thái độ nhàm chán, mệt mỏi, muốn bỏ qua sự nhóm lại trở thành của lễ không đẹp lòng Chúa. Hơn nữa, sự thờ phượng còn là hành động của đức tin “vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:6). Mục đích của sự thờ phượng là tôn vinh Chúa, nên để bước vào sự thờ phượng thật thì chúng ta phải làm chết bản ngã xác thịt và phải dâng lên Ngài mọi điều với tinh thần cảm tạ “Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta” (Thi Thiên 50:23a).
+Thứ ba: Sự nhàm chán khi thờ phượng cũng có thể bắt đầu từ chính cá nhân các bạn thanh thiếu niên. Đó là những sự ngăn trở, điều đầu tiên là tội lỗi vì “nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi Thiên 66:18). Chính tội lỗi vương vấn là bức tường vô hình ngăn trở các bạn đến với Chúa ngọt ngào trong sự thờ phượng “nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (Ê-sai 59:2). Hoặc thái độ mặc cảm với tội lỗi khiến các bạn cũng không dám mạnh dạn đến gần Chúa, nên thay vì nhìn vào bản thân, tra xét quá nhiều về những yếu đuối của mình thì hãy “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngược lại, có bạn quan tâm nhiều đến thế gian trong sự thờ phượng, nghĩa là luôn nghĩ đến sự tôn trọng và đúng đắn, quá quan tâm đến việc người ta sẽ nghĩ gì về mình, chú ý đến sự phản ứng của người khác, luôn cố gắng tìm thấy lỗi và những thiếu sót trong chương trình thờ phượng. Để chiến thắng sự ngăn trở này thì “hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia-cơ 4:10). Sự ngăn trở lớn hơn hết, là sự áp chế của sa-tan, sa-tan thèm muốn sự thờ phượng, điều đó được minh chứng trong giai đoạn đầu chức vụ “Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy” (Ma-thi-ơ 3:8-9), nên chúng tìm đủ mọi cách len lỏi vào tâm trí của người thờ phượng, hay chính trong các tiết mục thờ phượng tạo nên sự mất tập trung và những sai sót. Bởi vậy, tất cả các bạn thanh thiếu niên cần cầu nguyện khẩn thiết với Chúa để chính Ngài hiện diện trong giờ thờ phượng, xin huyết Đức Chúa Giê-xu thanh tẩy và bao phủ mọi điều, mọi người đang thờ phượng “vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh” (Hê-bơ-rơ 10:19).
2/ “Em nghĩ mình nên đưa những hình thức bên ngoài (đèn sân khấu, đèn theo nhạc, khói, trang phục sân khấu, những điệu nhảy, nhạc cụ dân tộc…) vào trong sự thờ phượng thì sẽ hấp dẫn và sôi động hơn. Tại sao nhiều người lại ngăn cấm?”
Một số em cho rằng lý do khiến giờ thờ phượng trở nên nhàm chán, không hấp dẫn vì ba điều: người hướng dẫn, âm nhạc và sự hưởng ứng của người thờ phượng.
a/ Người hướng dẫn buổi nhóm: Trong những buổi thờ phượng của cả Hội Thánh và của giới trẻ, dường như người hướng dẫn ít khi có sự chuẩn bị kỹ càng về cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Đây là điều sai sót nghiêm trọng mà chúng ta cần phải chỉnh lại. Người hướng dẫn cần phải nhuần nhuyễn và thông thạo trong sự thờ phượng, hơn nữa, họ phải là người trưởng thành thuộc linh, có sự nhạy bén thuộc linh để nghe tiếng của Thánh Linh. Về phẩm tính: họ phải là người khiêm tốn, thật thà, và kỹ tính. Vì họ cần phải dành đủ thời gian (trước đó ít nhất 1 tuần) cầu nguyện và chuẩn bị cả thân thể và tâm linh cho sự hướng dẫn. Người hướng dẫn phải có đức tin thật trong sự thờ phượng, vì đây không phải là một công việc của tổ chức, hình thức. Người hướng dẫn cũng phải nhận biết được mọi sự đang chuyển biến, nên tránh nhắm mắt và “bị lạc trong sự thờ phượng” dẫn đến không biết mình đang làm gì, và đến tiết mục nào.
b/ Âm nhạc: Âm nhạc trong sự thờ phượng lần đầu tiên được nói đến trong Xuất Ê-díp-tô Ký 15. Các hình thức âm nhạc trong sự thờ phượng có thể thay đổi theo thời gian, không gian nhưng không vượt qua nguyên tắc thờ phượng trong Kinh Thánh. Hiện nay, các bạn thanh thiếu niên cho rằng cần phải đưa các hình thức và thể loại âm nhạc sôi động bên ngoài vào trong sự thờ phượng và thay đổi sao cho phù hợp, để mạnh mẽ hơn và phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Hay trang trí phòng nhóm bằng các loại đèn sân khấu, đèn theo nhạc, khói…
+ Nhưng một điều mà hầu hết các bạn thanh thiếu niên chưa biết đó là sa-tan cũng sử dụng âm nhạc. Trước khi sa ngã, Lu-ci-phe cũng là nhạc trưởng (Ê-xê-chi-ên 28:13). Âm nhạc cũng được sử dụng trong hình thức thờ thần tượng. Nhưng đó là âm nhạc của sự “lộn xộn”, Kinh Thánh đã ký thuật sự kiện tuyển dân thờ con bò vàng mà Giô-suê nghe cứ tưởng là tiếng của “chiến trận” (Xuất Ê-díp-tô ký 32:17-18). Ngược lại, âm nhạc thờ phượng Đức Chúa Trời là âm nhạc trật tự. Tiếng nhạc được xức dầu của Đavít đã khôi phục sức khỏe của Sau-lơ “khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ thì Đavít lấy đờn và gảy. Sau-lơ bèn được an ủi, lành mạnh và ác thần lìa khỏi người ” (I Sa-mu-ên 16:23). Âm nhạc của Đức Chúa Trời có thể khuấy động chúng ta nhưng không bao giờ làm chúng ta mất tự chủ về phương diện tình cảm. Âm nhạc đó làm chúng ta mạnh mẽ chứ không làm chúng ta kiệt sức.
+Trong sự kiện ba người bạn của Đa-ni-ên bị ném vào lò lửa hực, theo lệnh vua Nê-bu-cát-nết-sa “sứ giả rao lớn tiếng lên rằng: Các dân, các nước, các thứ tiếng, đây nầy, lệnh truyền cho các ngươi, Khi nào các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đàn cầm, đàn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc khí, thì khá sấp mình xuống để thờ lạy tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng” (Đa-ni-ên 3:5-6). Những thứ nhạc khí đó có nguồn gốc Hy-lạp để dùng với mục đích thờ phượng các thần. Cho nên, bất cứ thể loại âm nhạc, các loại nhạc khí… để tôn vinh một ai đó, thì không dùng trong thờ phượng, nhưng bản thân các loại nhạc cụ bình thường (trừ một số đặc biệt dùng trong cúng thờ tà thần như mõ, chuông, khánh…vì công dụng, cách và mục đích sử dụng) dùng trong âm nhạc thì có thể sử dụng, nhưng đòi hỏi người dùng phải đúng “phong cách thờ phượng” của Hội Thánh.
Vấn đề sử dụng âm nhạc trong thờ phượng Chúa liên quan đến người sử dụng nhạc cụ, giọng hát, ân tứ (tài năng) và mục đích sử dụng phương tiện của người đó hơn là các loại phương tiện.
c/ Sự hưởng ứng của người thờ phượng: Nhiều bạn trẻ cho rằng: khi thờ phượng ở bất kỳ nơi đâu, kể cả trong nhà thờ cũng không nên ngăn cấm việc người thờ phượng thể hiện cảm xúc (nhảy, hét lớn, vỗ tay,…).
Kinh Thánh có đề cập đến những biểu lộ trong sự ngợi khen và thờ phượng:
=> Tuy nhiên, “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:3). Vì nhảy múa của bản tánh xác thịt đi đôi với sự sa ngã, thờ hình tượng, vô đạo đức và giống như thế gian (chẳng hạn xem Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19 – nhảy múa quanh con bò vàng). Trong nhà thờ, tránh gây cớ vấp phạm cho những người khác, hoặc có thể tạo nên tiếng động quá lớn khiến người khác mất tập trung, nên chúng ta cần giữ một sự trang nghiêm, vui vẻ, mừng rỡ với tinh thần ngợi khen thờ phượng trong trật tự, kỷ luật. Bởi lẽ, có khi sự im lặng, ngợi khen Chúa một cách êm dịu nhẹ nhàng cũng là cách đến với Chúa rất ngọt ngào (Truyền Đạo 3:7). Nên các bạn thanh thiếu niên có thể vỗ tay, nhảy múa ngợi khen (phải có chuẩn bị trước, đừng quá phô diễn thân thể khêu gợi) trong các kỳ trại hè, các buổi sinh hoạt giới trẻ… Tránh trường hợp, nhảy múa, vỗ tay để ngợi khen một ai đó, hay để thể hiện chính mình…
3/ “Em và một số bạn cũng chưa hiểu rõ ích lợi của sự thờ phượng là những gì?”
Cũng có một số bạn trẻ vì không biết rõ lợi ích của sự thờ phượng nên luôn thấy nhàm chán, mệt mỏi và tìm đủ mọi ý do để bỏ qua sự nhóm lại. Thực ra, sự thờ phượng mang lại rất nhiều ích lợi cho người tin Chúa:
+ Chúa sẽ đổ cơn mưa phước hạnh (Ê-xê-chi-ên 34:26);
+ Sự ngợi khen và âm nhạc thờ phượng mang lại sự giải cứu và khuây khỏa…(I Sa-mu-ên 16:17,23);
+ Sự ngợi khen mang lại sự bình an và giải cứu từ sự thương xót của Chúa (Công vụ 16:25-26);
+ Ngợi khen Chúa mang lại sức mạnh (Nê-hê-mi 8:10b);
+ Ngợi khen cũng mang lại sức khỏe (Châm ngôn 17:22);
+ Sự thờ phượng, nhóm họp mang lại sự hiệp một thông công với Chúa và với anh em (Ma-thi-ơ 18:20);
+ Gặp Chúa trong sự thờ phượng ngợi khen với tinh thần tìm kiếm và yêu mến Ngài (Châm ngôn 8:17);
+ Nhiều người sẽ thấy, họ sẽ kính sợ và nhờ cậy Ngài (Thi Thiên 40:3);
+ Qua sự ngợi khen, thờ phượng chúng ta sẽ nghe được tiếng phán của Thánh Linh (Công vụ 13:2);
+ Sự ngợi khen, thờ phượng và cầu nguyện là chìa khóa để mở mọi nan đề (Giê-rê-mi 33:3).
+ Ngợi khen, thờ phượng Đức Chúa Trời còn là một đặc ân Chúa dành cho con cái Ngài, đó cũng là cơ hội để chúng ta kêu cầu cùng Ngài. Đây là đặc ân mà người chưa tin Chúa không thể có được (Rô-ma 10:14).
+ Trên hết mọi sự đó, thì sự thờ phượng là mạng lệnh mà Chúa muốn tất cả chúng ta kể cả các bạn thanh thiếu niên phải thực hiện “lại có tiếng từ ngôi đến rằng: Hết thảy các ngươi là tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta, vẫn kính sợ Ngài, nhỏ hay lớn, đều hãy ngợi khen Ngài!” (Khải huyền 19:5).
Những thắc mắc của giới trẻ Cơ Đốc trong sự thờ phượng Chúa không phải là điều sai trái, nhưng đừng nuôi những thắc mắc đó lớn lên từng ngày bằng thái độ ích kỷ, sự kiêu ngạo, tinh thần của thế gian. Thay cho tinh thần chán nản, thụ động trong các giờ thờ phượng bằng những hành động cụ thể. Chính các bạn thanh thiếu niên hãy làm mạnh dạn trong Chúa luôn luôn nhờ sức toàn năng của Ngài mà sẵn sàng góp phần trong sự hướng dẫn, trong lĩnh vực âm nhạc trên tinh thần cầu nguyện không thôi và chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện. Hãy cùng nhau hiệp một lấp vào những chỗ thiếu sót mà mình thấy được. Hãy luôn nói như trước giả Thi Thiên “Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!” (Thi Thiên 103:1).