Suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm, lo lắng hay những rối loạn tương tự đang ngày một gia tăng trên thế giới. Theo Hiệp hội Trầm cảm và Lo âu của Mỹ, có 40 triệu người rơi vào tình trạng này, và con số này chiếm gần 20% dân số của nước Mỹ. Trong số đó, có nhiều người là tín đồ.
Sợ hãi dường như là căn nguyên của tất cả những vấn đề này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trên thế giới ngày nay rơi vào nỗi sợ hãi vì dường như chung quanh chẳng có gì là đáng tin cả. Có thể con người khá lo âu khi nhận ra mọi thứ trong đời sống cuối cùng cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình- từ vấn đề thời tiết đến việc gửi tiền vào Tài khoản ngân hàng. Tất cả những thứ con người cậy vào để tìm lấy sự an ninh cho bản thân không sớm thì muộn cũng sẽ khiến chúng ta thất vọng. Nhưng người Cơ Đốc khi thừa nhận sự tể trị của Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho người đó (Rôma 8: 28) thì sẽ nhận được phương thuốc giải trừ những suy nghĩ tiêu cực.
Khi suy nghĩ của Cơ Đốc nhân chỉ toàn là tiêu cực, lo âu hay nghi ngờ, thì đó là dấu hiệu của tình trạng thiếu đức tin nghiêm trọng. Tác giả của thư Hê-bơ-rơ nói, “Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6), và theo Châm ngôn 29:25, thì sợ hãi là cái bẫy nhưng tin cậy Chúa sẽ khiến người đó được an ninh. Khi Chúa Giêxu ở trên thuyền cùng với các môn đồ trong trận bão lớn, Ngài hỏi họ, “Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?” (Ma-thi-ơ 8:26). Những người đấu tranh với tư tưởng tiêu cực cũng phải làm một việc như khi họ phạm những tội khác- đó là xưng ra (phải nhận với Chúa rằng suy nghĩ tiêu cực là sai vì nó cho thấy sự thiếu đức tin) và nỗ lực thay đổi hành vi đó.
Cầu nguyện là yếu tố quan trọng trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Chúa Giêxu dạy rằng trong sự cầu nguyện nên có sự ngợi khen Cha và hướng về sự thánh khiết của Ngài (Ma-thi-ơ 6:9; cũng xem Thi Thiên 95:2). Khi chúng ta cầu nguyện “với sự tạ ơn” (Phi-líp 4:6), chúng ta tập trung vào những phước hạnh mình đã nhận lãnh và không để chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Đức Thánh Linh là Đấng thành tín sẽ giúp những tín hữu ăn năn vượt qua tư tưởng tiêu cực (Ma-thi-ơ 7:7-11).
Đọc Kinh thánh mỗi ngày, nhất là tập trung nghiên cứu những lời hứa của Chúa, sẽ mang đến sự giúp đỡ lớn trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Cũng hãy nhớ rằng cho dẫu hoàn cảnh hiện tại có ảm đạm đến đâu, Cơ Đốc nhân vẫn có lời hứa về tình yêu và sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:37-39; 2 Cô-rinh-tô 2:14).
Kinh thánh chứa đầy những lời khuyên dạy của Chúa cho con dân của Ngài về cách vượt qua sợ hãi và nghi ngờ- có trên 350 mạng lệnh về việc “đừng sợ”. Thực vậy, lời khích lệ được Chúa Giê-xu ban ra hơn bao nhiêu lời khác đó là hãy sống không sợ hãi (v.d Ma-thi-ơ 6:25; 9:2; 10:28; 10:31).
Chống lại tư tưởng tiêu cực chính là trận chiến của tâm trí. Sứ đồ Phao-lô bảo các tín hữu về những điều nên nghĩ đến: điều chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương (Phi-líp 4:8). Bên cạnh việc xác định những điều nên có trong tâm trí chúng ta, câu Kinh Thánh này cũng dạy rằng chúng ta có thể kiểm soát điều mình suy nghĩ. Khi tư tưởng tiêu cực đến, người có tâm trí của Đấng Christ (1Cô-rinh-tô 2:16) sẽ có khả năng đẩy lùi chúng ra khỏi tâm trí và thay vào đó là những tư tưởng đẹp lòng Chúa. Đây là việc cần luyện tập, và sự kiên trì sẽ khiến việc này được thực hiện dễ dàng hơn mỗi ngày. Cơ Đốc nhân nên suy nghĩ về những việc mình đang nghĩ đến và đừng để tâm trí tự do thống quản. Trong chiến trường thuộc linh, chúng ta đã được ban cho mão của sự cứu rỗi- áo giáp thuộc linh cho tâm trí.
Vì Cơ Đốc nhân vẫn phải sống trong thế giới đầy căng thẳng và lo âu, cho nên tư tưởng tiêu cực chắc chắn sẽ đến. Nhưng chúng ta có sự chọn lựa trong việc đẩy lùi hay nuôi dưỡng những tư tưởng đó. Tin tốt lành đó là, những suy nghĩ tiêu cực có thể được thay bằng những suy nghĩ tích cực, và khi càng để những tư tưởng đẹp lòng Chúa thay thế, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm được sự bình an và niềm vui trong Chúa.
Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.gotquestions.org/negative-thinking.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét