Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

Những Lầm Tưởng và Thực Tế của Việc Sống Thử (19/06/2018)

      Theo từ điển Wikipedia định nghĩa, “sống thử hay sống thử trước hôn nhân là một cụm từ thường được báo chí Việt nam, đặc biệt là báo mạng, dùng để chỉ một hiện tượng xã hội, theo đó các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng không tổ chức hôn lễ cũng như không đăng ký kết hôn”. Chúng ta có thể thấy trào lưu sống thử đang ngày càng phổ biến, và được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Dĩ nhiên, những người trẻ đưa ra rất nhiều lý do để chứng minh sống thử là một lựa chọn tốt hơn so với kết hôn. Có thể nhiều bạn trẻ Cơ Đốc cũng đang phân vân liệu có nên sống thử không. Có thật sống thử là một lựa chọn tốt nhằm giảm bớt tổn thương và đau khổ cho cặp đôi khi không thể đi chung đường không? Câu trả lời đòi hỏi sự phân tích, đánh giá từ nhiều phương diện, và không phải là mục đích của bài viết này. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc là sống thử không có trong thiết kế của Đức Chúa Trời cho hôn nhân ngay từ ban đầu. Trong bài viết này, tác giả chỉ muốn nêu lên bốn suy nghĩ phổ biến mà các cặp đôi sống thử cho rằng đó là những “ích lợi” khi sống thử, và bốn thực tế của việc sống thử được tác giả đưa ra để cho thấy những suy nghĩ đó chỉ là những lầm tưởng mà thôi. (ND)
      Lầm tưởng #1: Sống thử là phương cách hay để “dò đá qua sông”.
      Nhiều cặp đôi nói rằng họ muốn sống thử để xem có hợp nhau không, mà không nhận biết rằng sống thử là chuẩn bị để ly hôn hơn là cách để gia tăng khả năng để có một hôn nhân hạnh phúc. Tỷ lệ ly hôn ở những người nữ sống thử cao hơn gần 80 phần trăm so với tỷ lệ ly hôn ở những người không sống thử. Thật vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng những cặp sống thử có chất lượng hôn nhân thấp hơn và tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Ngoài ra, các mối liên hệ kiểu này thường mong manh và khá ngắn ngủi; không đến phân nửa kéo dài đến năm năm hoặc hơn, mà thường chỉ khoảng 18 tháng.
      Lầm tưởng #2: Các cặp đôi không thật sự cần “tờ giấy”(hôn thú) đó.
      Vấn đề chính của việc sống chung là đó là một sự thỏa thuận có tính thăm dò, thiếu bền vững. Không ai có thể tin tưởng vào mối quan hệ như vậy: cả hai đương sự, con cái của họ, cộng đồng hay xã hội. Những mối quan hệ như thế đóng góp rất ít cho những người trong cuộc và chắc chắn cũng rất ít cho những người ngoài cuộc. Thỉnh thoảng, các cặp đôi chọn sống thử thay vì kết hôn cho biết rằng trong trường hợp mối quan hệ của họ không còn tốt đẹp, việc sống thử giúp họ có thể tránh được phiền phức, tốn kém và tổn thương về tình cảm thường có trong các cuộc ly hôn. Với sợi dây liên kết yếu ớt giữa hai đương sự, khả năng họ sẽ tìm cách giải quyết vấn đề hoặc sẽ duy trì mối quan hệ vì áp lực là rất ít.
      Lầm tưởng #3: Sống thử thường dẫn đến hôn nhân.
      Trong những năm 1970, khoảng 60 phần trăm các cặp sống thử lấy nhau trong vòng ba năm, nhưng tỷ lệ này đến nay đã giảm xuống dưới 40 phần trăm. Mặc dù ngay nay phụ nữ vẫn còn có khuynh hướng mong đợi “sống thử sẽ dẫn đến hôn nhân”, nhưng nhiều nghiên cứu của các sinh viên đại học cho thấy rằng người nam thường sống thử chỉ vì thấy nó “thuận tiện”. Thật vậy, nhiều học giả đồng ý rằng sống chung trước hôn nhân đặt người nữ vào thế bất lợi thấy rõ về mặt “quyền hạn”. Một giáo sư đại học mô tả nghiên cứu của ông thực hiện trong khoảng một năm trong các lớp học hôn nhân của mình. Ông hỏi thẳng những sinh viên nam đang sống chung với bạn gái “Anh sẽ cưới cô gái mình đang sống chung chứ?” Câu trả lời áp đảo mà ông nhận được là “KHÔNG!” Khi ông hỏi các cô gái liệu các cô có sẽ lấy những anh chàng mình đang sống chung không, thì câu trả lời là “Vâng, có chứ. Chúng tôi yêu nhau và đang học cách sống chung”.
      Lầm tưởng #4: Sống thử bình đẳng hơn hôn nhân.
      Người ta thường nghĩ rằng phụ nữ và trẻ em chịu thiếu thốn nhiều hơn sau khi việc sống thử không thành, mà không hiểu được cách sâu sắc rằng thường có sự thiếu cân bằng về kinh tế có lợi cho người nam hơn ngay trong mối quan hệ đó nữa. Mặc dù cặp đôi sống thử nói rằng họ lên kế hoạch chia đôi số tiền chi tiêu, nhưng thường thì người nữ hỗ trợ người nam. Các nghiên cứu cho thấy người nữ thường đóng góp hơn 70 phần trăm số thu nhập vào việc sống thử. Tương tự, phụ nữ thường là người lau dọn, nấu ăn và giặt giũ quần áo. Nếu họ là sinh viên, như chúng ta thường thấy, và đối diện với sự eo hẹp về kinh tế hoặc thời gian, đòi hỏi phải giảm bớt trách nhiệm trường lớp, thì hầu như lúc nào người nữ cũng là người phải nghỉ học, chứ không phải người nam.
      Kết luận.
      Như vậy, nhiều bằng chứng xã hội học cho thấy sống thử là một lựa chọn thấp kém so với một gia đình có vợ có chồng, có cha có mẹ được kết hiệp bằng mối quan hệ hôn nhân. Càng ngày, những lầm tưởng về việc sống chung mà không cần kết hôn càng giống như chiếc gương bị đập vỡ bởi sức mạnh của những sự thật phơi bày hiện thực của việc sống thử.

      Tác giả: Tiến sĩ Janice Shaw Crouse, thuộc Viện The Beverly LaHaye.
      Biên dịch: Khue Tran
      Nguồn: https://www.crosswalk.com/family/marriage/the-myths-and-reality-of-living-together-without-marriage-11531429.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét