Dẫn nhập.
Dân số Việt Nam hiện nay có gần 90 triệu người, phần đông dân chúng phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội bức thiết trong cuộc sống. Từ các vấn đề an sinh xã hội như tình trạng nghèo đói (theo chuẩn nghèo của Chính phủ, 14,2% dân số Việt Nam đang sống trong tình trạng nghèo đói,[1] nếu tính theo chuẩn của Liên Hiệp quốc, con số đó khoảng 30%),[2] môi trường sống bị hủy hoại, chất lượng cuộc sống còn đứng ở vị trí thấp (chỉ số HDI của Việt Nam năm 2010 được xếp hạng 113/169 quốc gia),[3] chất lượng giáo dục và y tế chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, cho đến những vấn đề mang tính đạo đức xã hội như nạo phá thai, buôn bán người, tình trạng mại dâm, hôn nhân đồng giới, sự bất công trong xã hội và pháp luật, v.v… Những nan đề xã hội đó có thể bắt gặp ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trong mọi giai đoạn lịch sử thế giới, chứ không phải của riêng một quốc gia nào hay trong một thời điểm cụ thể nào. Việt Nam chỉ là một nơi cụ thể và gần gũi để chúng ta có thể cùng nhau nhìn thấy thực trạng xã hội của thế giới hiện nay.
Mặc dù Cơ Đốc nhân được vinh dự là công dân của thiên quốc, nhưng xét về phương diện xã hội, Cơ Đốc nhân cũng vẫn là công dân của một quốc gia, là thành viên của một xã hội nào đó. Một khi đã là một nhân tố trong xã hội, là công dân của một quốc gia, công dân đó phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội - nghĩa là ít nữa, Cơ Đốc nhân phải nhận lấy những trách nhiệm xã hội như bất kỳ một công dân nào khác trong xã hội. Hơn nữa Cơ Đốc nhân còn được kêu gọi để làm ánh sáng cho thế gian, và “sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia-cơ 1:27). Cho nên tinh thần trách nhiệm của Cơ Đốc nhân đối với xã hội mình đang sinh sống càng phải được đề cao và chủ động thực thi.
Khi nói đến trách nhiệm cá nhân của mỗi Cơ Đốc nhân, chúng ta không thể bỏ qua vai trò và vị trí của Hội Thánh trong việc hình thành nên quan điểm của cá nhân những tín hữu đối với trách nhiệm xã hội cũng như những vấn đề khác liên quan đến niềm tin và việc thực hành niềm tin. Vì vậy, khi nói đến trách nhiệm xã hội của Cơ Đốc nhân cũng hàm ý nói đến trách nhiệm xã hội của Hội Thánh, và ngược lại vì có sự quy chiếu hai chiều.
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã xác định đường hướng hoạt động của mình trong Hiến chương, ấy là: “sống Phúc Âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ Quốc và dân tộc”.[4] Điều đó cho thấy, bên cạnh trách nhiệm thiêng liêng đối với Đức Chúa Trời và Hội Thánh Ngài, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội cũng là một phần trong quan điểm sống đạo của tín hữu Tin Lành.
Tuy nhiên vai trò của Cơ Đốc nhân Việt Nam đối với các vấn đề xã hội nói chung còn rất lợt lạt, hầu như chưa tạo được dấu ấn hay tiếng nói khả dĩ nào đối với các vấn đề xã hội đang được quan tâm và cần phải giải quyết. Có thể nhận thấy, tình trạng đó xãy ra bởi sự hình thành quan điểm về trách nhiệm xã hội của Cơ Đốc nhân và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam dựa trên những yếu tố sau:
1. Yếu tố thần học.
Thần học của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc thần học của Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp. Hội Truyền giáo chủ trương chính sách “tự lập” cách nhất quán, theo đó, những trường học, bệnh viện, phòng khám hay những công tác xã hội nói chung… không phải là vấn đề chính cần phải quan tâm.[5] Vì mục tiêu chính yếu của Hội truyền giáo Phước âm Liên hiệp là rao giảng Tin Lành và thiết lập Hội Thánh bản xứ trên căn bản tự lập, tự trị, và tự truyền bá.[6] Hội Truyền giáo đã theo đuổi chính sách nhất quán nầy từ khi được hình thành vào năm 1883 khi chủ trương không thiết lập một hệ phái. Mãi cho đến năm 1974, Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp mới tuyên bố chính thức trở thành một hệ phái,[7] đồng thời liên kết với tổ chức CAMA Services (Compassion and Mercy Associates) để hoạt động trong cách lãnh vực xã hội như cứu trợ và phát triển cộng đồng.[8]
Cũng giống như tinh thần truyền giáo của các môn đồ trong Hội Thánh đầu tiên, các giáo sĩ Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp được thúc đẩy để rao giảng Tin Lành với tinh thần Chúa sẽ trở lại trong nay mai, và sứ điệp Tin Lành của họ cũng giống như một phần sứ điệp Tin Lành của Phi-e-rơ “ta chẳng có vàng bạc chi hết” (Công-vụ 3:6). Vì vậy, Hội Thánh cùng với các Mục sư, Truyền đạo, và tín hữu đều được kêu gọi và thúc đẩy để hoàn toàn chú tâm vào việc nhanh chóng hoàn tất sứ mạng môn đồ hóa muôn dân.
Sách công vụ các sứ đồ cho chúng ta thấy thái độ sống và tinh thần rao giảng Tin Lành của Hội Thánh đầu tiên rất cấp bách. Các sứ đồ và môn đồ ra đi rao giảng Tin Lành ở khắp mọi nơi, từ châu Á, châu Phi, đến châu Âu, các tín hữu bán hết gia sản mình để dâng hiến cho công việc Chúa và hiệp nhau mỗi ngày để thờ phượng Chúa… Có lẽ phần đông trong số họ tin rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại ngay trong thời của họ, trước khi Giăng có thể qua đời (Giăng 21:20-23).
Sự nhấn mạnh về việc Chúa Giê-xu mau chóng trở lại để tiếp rước Cơ Đốc nhân bước vào một thời đại thiên hy niên phước hạnh cũng là một yếu tố liên hệ đến thái độ của Cơ Đốc nhân và Hội Thánh trước những trách nhiệm xã hội. Cơ Đốc nhân thường được dạy rằng, chúng ta kiên nhẫn và nhịn nhục chịu khổ, vì không lâu nữa sẽ được Chúa tiếp rước cùng với những phần thưởng xứng đáng cho những người trung thành (II Cô-rinh-tô 4:17-18; Gia-cơ 1:12; Khải huyền 2:10b; 22:12). Yanina Talmon, giáo sư Đại học Jerusalem đã ví von về niềm tin của một số phong trào cấp tiến về thiên hy niên, như là điều không bao lâu nữa sẽ xảy ra, và họ “sống trong sự chờ đợi căng thẳng và chuẩn bị cho điều đó”, trong khi các Cơ Đốc nhân đang mong đợi sẽ nhanh chóng bước vào một thế giới “được thay đổi một cách tuyệt đối, hoàn toàn và dứt khoát”.[9]
Những năm trước 1975, trong bối cảnh đất nước bị tang thương bởi chiến tranh và đói nghèo, các phước lành trong Ma-thi-ơ chương 5 được giải thích theo nghĩa đen đã trở nên nguồn động lực cho các Cơ Đốc nhân, họ xem sự hoạn nạn, bắt bớ, đau đớn, nghèo khó là phước hạnh và sẵn sàng chấp nhận nó. Vậy thì cũng chẳng có lý do gì để tìm cách thay đổi tình trạng xã hội đang tồn tại, trong khi tình trạng đó sẽ được thay đổi trong nay mai khi Chúa trở lại và Cơ Đốc nhân được bước vào thời kỳ thiên hy niên.
Ngoài ra, sự giảng dạy Kinh Thánh một cách không cân đối khi nhấn mạnh giáo lý “được cứu bởi đức tin” (Rô-ma 1:17), trong cái nhìn tương phản với các tôn giáo khác chủ trương làm việc công đức để được cứu, đã làm cho Cơ Đốc nhân không nhận thấy trách nhiệm của mình trước các nan đề xã hội. Trong khi đó, sứ điệp của Gia-cơ: “đức tin không sanh ra việc làm thì tự mình nó chết” (Gia-cơ 2:17) ít được nhấn mạnh, vì e ngại Cơ Đốc nhân - nhất là những tân tín hữu sẽ hiểu sai vấn đề, cố gắng làm việc lành để được cứu rỗi giống như chủ trương của các tôn giáo khác. Lần hồi, Cơ Đốc nhân xem đó là trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức hay đoàn thể khác. Hội Thánh và cá nhân tín hữu không nên quan tâm đến những vấn đề thế tục, mà chỉ nên chú tâm vào các vấn đề đức tin và thiêng liêng mà thôi.
Một sự kiện diễn ra vào năm 1957 tại Sài Gòn, một giáo sĩ đã công khai bày tỏ quan điểm của mình rằng: Chúa Giê-xu không hề mở trường học, bệnh viện hay cô nhi viện, Ngài chỉ lo giảng Tin Lành mà thôi, để phản biện chủ trương Hội Thánh nên dự phần để thực thi những trách nhiệm xã hội.[10] Nhưng trên thực tế, Chúa Giê-xu không “chỉ giảng Tin Lành mà thôi”, nhưng Ngài còn phản ứng thích hợp với các vấn đề xã hội: chữa lành những người bệnh, bênh vực những người bị ruồng bỏ, dạy dỗ mọi người biết yêu thương và bày tỏ tình thương đối với người khác v.v… (Ma-thi-ơ 22:39; 7:12 Giăng 13:35). Giống như điều Gia-cơ đã dạy rằng, đức tin của Cơ Đốc nhân phải được minh chứng bởi những hành động yêu thương cụ thể:
“Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết. Hoặc có kẻ nói: Ngươi có đức tin, còn ta có việc làm. Hãy chỉ cho ta đức tin của ngươi không có việc làm, rồi ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta” (Gia-cơ 2:14-18).
Mục sư Lê Văn Thái thuật lại những nỗ lực của ông cùng các cộng sự trong việc thành lập Cô nhi viện, một trong những cơ quan xã hội đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam như sau: “chúng tôi cố gắng bằng mọi cách nhằm gây một ý thức mới trong vòng tín hữu - vì như trên đã nói - phần đông tín đồ lúc bấy giờ có những quan điểm rất thiển cận nếu không bảo là sai lầm, luôn luôn khước từ hoặc chống trả những đề nghị hợp lý, thực tiễn - chỉ chăm tìm và thực hiện những sinh hoạt tâm linh có tính cách thiêng liêng”.[11] Thực ra, thái độ đó vẫn tiếp tục bám chặt vào trong tư tưởng của nhiều Cơ Đốc nhân Việt Nam cho đến ngày nay.
2. Yếu tố lịch sử.
Bên cạnh sự ảnh hưởng của tư tưởng thần học, yếu tố lịch sử cũng góp phần tạo nên quan điểm của Cơ Đốc nhân và Hội Thánh trước trách nhiệm xã hội của mình. Phần lớn thời gian hiện hữu của Hội Thánh Tin Lành trên mảnh đất Việt Nam là những năm tháng chiến tranh (1911-1975), cùng với đó là những vấn đề xã hội gai góc: tệ nạn xã hội, tội phạm, nghèo đói, mồ côi, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, chính trị, mâu thuẫn giai cấp, v.v… cho nên có thể nhìn thấy trách nhiệm xã hội của mỗi Cơ Đốc nhân và Hội Thánh là rất lớn.
Giai đoạn trước 1954, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vẫn chỉ là một đoàn thể tôn giáo nhỏ bé trong xã hội Việt Nam, mà học giả Đào Duy Anh đã bình luận là “đơn bạc lắm”, với khoảng 10.000 tín hữu ở cả ba miền (vào năm 1938).[12] Do đó vai trò của Hội Thánh đối với trách nhiệm xã hội hoàn toàn không có.
Khi nạn đói Ất Dậu xảy ra tại miền Bắc Việt Nam khiến 2 triệu người chết trong vòng 7 tháng (từ tháng 10/1944 đến tháng 05/1945), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khi đó vẫn còn non trẻ, không đủ khả năng để đóng một vai trò nào trong cuộc khủng hoảng của đất nước. Địa hạt miền Trung và miền Nam chỉ có thể giúp đỡ phần nào cho ngân sách của địa hạt miền Bắc duy trì sự hoạt động,[13] cũng như lạc quyên giúp đỡ những nhu yếu phẩm cho tín hữu miền Bắc thông qua chuyến đi của Mục sư Lê Văn Thái trong thời điểm đó.[14]
Từ năm 1955, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam với khoảng 14.000 tín đồ trong 157 Hội Thánh ở miền Nam,[15] “tiếng nói” để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Với việc mở ra các cô nhi viện, phòng khám bệnh, bệnh viện phung, trường học, trường dạy nghề, các nhóm công tác xã hội, các ủy ban… được điều hành và phục vụ bởi những Cơ Đốc nhân, Hội Thánh đã góp phần trong việc giải quyết những vấn đề xã hội của đất nước.[16]
Công tác nầy trở nên nổi bật hơn tại khu vực các dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là các chương trình đặt chữ và dạy chữ cho các dân tộc bán khai và sơ khai - di sản ấy vẫn còn giá trị đến ngày nay và đang được tiếp tục phát triển cho hoàn thiện hơn. Ngoài ra, những thay đổi về cơ cấu xã hội, vệ sinh môi trường, việc loại bỏ những hủ tục và những hành động man rợ cũng là kết quả từ đức tin Cơ Đốc.[17]
Sau năm 1975, vì hoàn cảnh lịch sử, mọi hoạt động của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam bị gián đoạn và co cụm, các ủy ban trong đó có Ủy ban Cứu tế xã hội cùng với những cơ sở y tế xã hội và trường học của Hội Thánh hoặc bị đóng cửa, hoặc bị trưng dụng. Hội Thánh hầu như không còn có thể làm gì để thực thi trách nhiệm xã hội của mình trong hoàn cảnh đó, có chăng chỉ là sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa vòng các tín hữu và các Hội Thánh.
Từ năm 2001 đến nay, sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã bắt đầu khởi động lại các hoạt động xã hội với nhiều dự án khác nhau bởi nội lực của Hội Thánh cũng như sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ ở trong và ngoài nước. Điều đáng mừng đó là việc thực thi trách nhiệm xã hội có sự chuyển mình rõ rệt theo thời gian, ban đầu chỉ dựa vào Ủy ban Y tế xã hội Tổng liên hội, nhưng lần hồi các Ban Đại diện tỉnh/thành và các chi hội địa phương, thậm chí các điểm nhóm cũng bắt đầu dự phần vào trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của mình,[18] không chỉ giới hạn tại địa phương, vùng miền, hay quốc nội mà còn vươn ra hải ngoại.[19]
Từ năm 2005 trở đi, sự nhìn nhận và việc thực thi trách nhiệm xã hội của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) có sự tiến bộ rõ rệt, với nhiều dự án khác nhau cho nhiều đối tượng và thành phần khác nhau trong xã hội, đặc biệt chương trình phát triển cộng đồng có ý nghĩa rất thiết thực và có giá trị lâu dài trong nỗ lực biến đổi và chinh phục cộng đồng cho Chúa Giê-xu.[20]
Có thể nhận thấy, tiếng nói của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đối với những vấn đề xã hội trong từng giai đoạn lịch sử có sự khác nhau bởi các yếu tố khác nhau (như năng lực, bối cảnh chính trị, v.v…) mà chúng ta sẽ bàn luận trong những phần sau.
3. Yếu tố năng lực.
Phải nhìn nhận rằng, phần đông Cơ Đốc nhân Việt Nam vẫn là những người có mức thu nhập thấp (hay không muốn nói là người nghèo) so với mức sống trung bình của người dân Việt Nam. Thành phần giàu có trong Hội Thánh không nhiều, nếu có thì mức độ dâng hiến hỗ trợ cho những nỗ lực thực thi trách nhiệm xã hội cũng rất ít ỏi. Phần nhiều các Hội Thánh tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên vẫn còn ở trong tình trạng chưa tự lập về tài chánh, trong khi các Hội Thánh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dầu được xem là tự lập, nhưng sự tự lập đó vẫn còn rất bấp bênh, cuối cùng thì tài lực của Hội Thánh tập trung vào một số Hội Thánh ở các đô thị lớn. Điều đó cũng cho thấy một khiếm khuyết trong chính sách tự lập của Hội Thánh là tính cục bộ cao, làm cho sự phát triển của các Hội Thánh địa phương không được đồng đều (nơi dư, nơi thiếu, và những chỗ có dư cũng không muốn chia sẻ, hoặc chia sẻ rất ít cho những chỗ khác, vì mọi người đều muốn tập trung lo cho Hội Thánh địa phương của mình), đồng thời nguồn lực của giáo hội không được tập trung, dẫn đến việc Hội Thánh không đủ năng lực để đảm đương những trách nhiệm xã hội.
“Tâm lý nghèo thiếu” gắn chặt vào triết lý sống của mỗi Cơ Đốc nhân và Hội Thánh,[21] người ta muốn được nhận, được hỗ trợ, được giúp đỡ, được cho không hơn là phải tự dâng hiến và đóng góp để thực hiện một mục vụ nào đó trong Hội Thánh, huống chi là những công tác hướng ngoại để thực thi trách nhiệm xã hội của cá nhân mỗi Cơ Đốc nhân cũng như Hội Thánh.
Trước năm 1975, nguồn lực cung ứng cho những cơ sở y tế, giáo dục cũng như các dự án xã hội hoạt động, phần lớn dựa vào những nguồn trợ giúp từ các tổ chức, các giáo phái và các nhóm Hội Thánh khác như World Vision, Mennonite Central Committee, World Council of Churches, Church World Service, Lutheran World Federation, East Asian Council of Churches, World Relief Commisson, v.v…[22] Ngoại trừ một vài nỗ lực của một số Cơ Đốc nhân để thành lập tổ chức Thanh niên Cơ Đốc xã hội, hoạt động trong các lãnh vực an sinh xã hội, cải thiện môi trường sống, tổ chức dạy nghề, lập các trường học và nhà giữ trẻ, cũng như các cơ sở y tế… với nguồn lực có được từ sự đóng góp của các thành viên và tổ chức các cơ sở kinh doanh và dịch vụ. Phong trào nầy phát triển và hoạt động kết quả tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ.[23]
Mặc dầu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam luôn tự hào về sự tự trị, tự lập của mình, nhất là sau năm 1975 khi Hội Thánh không còn bất kỳ nguồn trợ cấp nào từ hải ngoại, nhưng sự tự lập đó chỉ mới ở một mức độ đủ cung ứng cho sự tự trị và tự truyền bá của Hội Thánh, chứ chưa đủ sức để cung ứng nguồn lực cho Hội Thánh tự thực thi những trách nhiệm xã hội của mình. Phần lớn ngân quỹ trong Hội Thánh được phân bổ cho việc điều hành, cung lương, xây dựng, kế đến là truyền giáo và Cơ Đốc giáo dục, hỗ trợ các ban ngành, v.v… Công tác xã hội được xem là ưu tiên cuối cùng mà Hội Thánh sẽ thực hiện nếu như ngân quỹ dư thừa, hoặc có nguồn hỗ trợ đặc biệt nào đó từ các cá nhân hay tổ chức khác, và thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong ngân sách của Hội Thánh.[24]
4. Yếu tố chính trị.
Nói đến Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, là phải nói đến chủ trương “không xen vào chính trị” đã được xác quyết từ khi Hội Thánh được hình thành đến nay. Trong luận án tiến sĩ của Mục sư Lê Hoàng Phu, ông đã có những giải luận xác đáng với những ví dụ chứng minh cách cụ thể về quan điểm nầy của Hội Thánh.[25] Tuy nhiên trong một giai đoạn lịch sử, Hội Thánh đã định nghĩa hoặc hiểu không chính xác về chủ trương ấy, khi xem việc “không xen vào chính trị” đồng nghĩa với việc không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào của chính quyền và xã hội với tư cách công dân và với tư cách một tổ chức xã hội.
Bên cạnh đó, môi trường chính trị tại Việt Nam sau năm 1975 khá “nhạy cảm” khi chính quyền Việt Nam thống nhất đã chủ trương đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Một trong những trích dẫn thường xuyên được “phổ cập” cho dân chúng được trích trong tiểu luận của Karl Marx: “Ảo tưởng tôn giáo và nhiệm vụ của lịch sử”, đó là:
“Tôn giáo là tính hiện thực ảo tưởng của bản chất con người, vì bản chất con người không có tính hiện thực thật sự. Do đó, đấu tranh chống tôn giáo là gián tiếp đấu tranh chống một thế giới mà lạc thú tinh thần của nó là tôn giáo.
Sự khổ đau mang tính tôn giáo đồng thời vừa là biểu hiện của khổ đau trong hiện thực, vừa là sự chống đối lại khổ đau ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những tình cảnh không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.[26]
Tinh thần đó cùng với các chính sách cải cách có liên quan đến các vấn đề tôn giáo đã gieo rắc mối nghi ngờ cho dân chúng về tôn giáo nói chung và Tin Lành nói riêng, cũng như tạo ra sự đề kháng và e dè từ phía các Cơ Đốc nhân và Hội Thánh. Bởi lẽ các Cơ Đốc nhân và Hội Thánh đã phải trải qua những kinh nghiệm đau thương, mất mát khi nhìn thấy những công tác xã hội của mình đang thực hiện bị đình chỉ, những cơ sở đang hoạt động bị đóng cửa hay tịch thu… do đó, tâm lý e dè và lo sợ “vết thương cũ tái phát” luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, sự nghi kỵ về việc lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, cũng như đánh đồng tôn giáo với chính trị vẫn còn tồn tại trong ý niệm và tâm thức của nhiều người.[27]
Vì vậy, một khi Cơ Đốc nhân hay Hội Thánh muốn thực thi trách nhiệm xã hội của mình cách công khai, trong một số trường hợp sẽ bị ngăn trở, trong trường hợp khác có thể sẽ gặp không ít trở ngại, hoặc thuận lợi hơn thì phải chịu sự giám sát rất chặt chẽ, dưới nhãn quan “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” - vốn được hiểu một cách chính thống theo hướng tiêu cực,[28] và Tin Lành là “do Mỹ dựng lên” để làm bình phong cho các nhóm phản kháng đòi dân chủ và tự trị.[29]
Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng nghi kỵ đã lần hồi có những chuyển biến tích cực, với thái độ tiếp cận có phần cởi mở và hợp tác hơn cả về phía Hội Thánh, người dân cũng như chính quyền trong việc cùng nhau thực thi trách nhiệm xã hội. Vai trò của Hội Thánh và các tín hữu Tin Lành trong những hoạt đồng từ thiện nhân đạo cũng được nhìn nhận và tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn.[30]
5. Yếu tố văn hóa - xã hội.
Yếu tố cuối cùng mà người viết muốn đề cập đến đó là yếu tố văn hóa - xã hội. Xã hội Việt Nam với nền văn hóa mang đậm bản sắc của các tôn giáo và truyền thống Á Đông, nên sự xung đột giữa văn hóa Tin Lành và văn hóa dân gian là điều không thể tránh khỏi.[31] Những tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, cùng với các tôn giáo bản địa như Cao Đài giáo, Phật giáo Hòa hảo, cũng như vô số những hình thức tín ngưỡng dân gian như thờ thành hoàng, thánh mẫu, các anh hùng dân tộc, và các hình thức tín ngưỡng đa thần, phiếm thần của các dân tộc thiểu số ở vùng cao, v.v… đều trái ngược với niềm tin vào Đức Chúa Trời chân thần duy nhất của Cơ Đốc giáo.[32]
Trong những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, người ta cũng thường nhắc đến khái niệm “không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc”.[33] Cùng với sự đề cao các yếu tố văn hóa và văn minh cổ xưa của nhân loại, các cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hóa Việt Nam đang chủ trương việc phục dựng các lễ hội truyền thống, phát huy những di sản văn hóa (bao gồm những di sản vật thể và phi vật thể trong đó có những hủ tục của một số dân tộc và địa phương), tôn vinh những giá trị văn hóa gắn liền với tín ngưỡng dân gian…[34]
Một số bài viết nghiên cứu về Tin Lành tại Việt Nam đã phản ánh rõ quan điểm và sự nhìn nhận của xã hội, của những nhà làm công tác quản lý và nghiên cứu tôn giáo, cũng như của những người phi Cơ Đốc về đạo Tin Lành. Theo đó, cách sống đạo của Cơ Đốc nhân sẽ tạo ra những xung đột trong cộng đồng, và Tin Lành được xem như là một hiện tượng tôn giáo cần phải hạn chế phát triển, đồng thời cũng là nguồn gốc cho những xung đột văn hóa, xã hội, và chính trị sẽ xảy ra.[35] Những mâu thuẫn có thể phát sinh ở mức độ hẹp ngay trong gia đình giữa những Cơ Đốc nhân và những thành viên khác, cho đến mức độ rộng hơn ở từng thôn, xóm, bản, làng và thậm chí là tỉnh/thành hay khu vực như đã từng xảy ra.
Bên cạnh đó, nhiều Cơ Đốc nhân luôn mang cái nhìn chủ quan “chỉ có mình là chân lý” khi tiếp xúc với những người theo các tôn giáo khác, dẫn đến sự nghi kỵ, kỳ thị và xa lánh trong mối liên hệ cá nhân cũng như xã hội.[36] Đồng thời với sự đóng khung của Hội Thánh trong các mục vụ chỉ giới hạn trong Hội Thánh hoặc nhiều lắm là liên Hội Thánh, chứ chưa tạo được sự tương tác với cộng đồng, ngay cả trong công tác cứu trợ - Hội Thánh vẫn chỉ tập trung vào những thuộc viên của mình chứ chưa có sự quan tâm thỏa đáng cho những người khác, nếu có thì cũng rất hạn chế. Điều đó dẫn đến tình trạng khép kín trong mối liên hệ cá nhân giữa Cơ Đốc nhân với những người không cùng niềm tin với mình, cũng như giữa Hội Thánh với cộng đồng chung quanh. Và càng ngày, sự ngăn cách đó càng bị khoét sâu thêm thay vì phải lấp đầy nhanh chóng.
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua (2005-2013), Ban Trị sự Tổng liên hội đã thành lập Ủy ban Văn hóa giáo dục để nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội để tìm một hướng đi, hay xa hơn là một chính sách cho sự phát triển của Hội Thánh, cũng như cùng với Ủy ban Y tế - Xã hội thực thi những trách nhiệm xã hội khả dĩ. Nhưng có thể nói, vì văn hóa - xã hội là một vấn đề rất rộng lớn với nhiều quan điểm khác nhau và không ít những tranh cãi, cho nên đến nay những cố gắng đó vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi.
Thay lời kết.
Người viết bài nầy cho rằng, mỗi cá nhân tín hữu cũng như Hội Thánh là một thực thể của xã hội, vì vậy trách nhiệm xã hội của Hội Thánh hay mỗi Cơ Đốc nhân là trách nhiệm hiển nhiên, không thể bàn cãi - vì đó trước hết là trách nhiệm của một thành viên đang sống trong một xã hội hay một quốc gia, hoặc trong phạm vi nhỏ hẹp hơn là một thành viên đang sống trong gia đình. Vấn đề là, Hội Thánh và mỗi Cơ Đốc nhân sẽ làm những gì và làm như thế nào để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, và đồng thời không mâu thuẫn với niềm tin và chân lý Thánh Kinh.
Bàn về vai trò của phụ nữ Cơ Đốc trong Hội Thánh đầu tiên, cụ thể là những góa phụ trong Hội Thánh được sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong I Ti-mô-thê 5:10, “phải là người được tiếng khen vì việc phước đức mình, như đã nuôi con cái, đãi đằng khách lạ, rửa chân thánh đồ, cứu giúp kẻ khốn nạn, và làm đủ các việc phước đức”, đã lưu ý rằng “tất cả những công việc đó thực ra là bổn phận hằng ngày của bà với tư cách là một Cơ Đốc nhân bình thường”.[37]
Có thể kể ra những công tác khác nhau để Cơ Đốc nhân và Hội Thánh có thể làm để thực thi trách nhiệm xã hội của mình ở trần gian nầy. Tuy nhiên, ở mức độ tối thiểu, điều Cơ Đốc nhân Việt Nam có thể làm là gì?
Theo tiến sĩ Trương Văn Thiên Tư, “Trải qua bao thế hệ, người Việt truyền thống đã xây dựng cho mình một cách sống theo tình yêu và công lý của Trời, hay Đạo Trời, đó là chuẩn mực cho đức hạnh của họ. Niềm tin mạnh mẽ vào Trời giúp cho người Việt truyền thống sống công chính và nhân lành trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào”.[38] Tuy nhiên, giá trị đạo đức và lối sống của xã hội Việt Nam ngày nay đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các học giả, các nhà giáo dục nhìn nhận xã hội Việt Nam hiện nay như sau: “Đã đến lúc chúng ta phải rung chuông báo động về sự bất ổ trong gia đình, về tình trạng đạo đức xã hội, luân thường đạo lý đang bị vi phạm và xuống cấp nghiêm trọng”.[39] Tình trạng nạo phá thai tràn lan, nguy hiểm nhất là rơi vào giới trẻ bởi tình trạng quan hệ luyến ái trước hôn nhân; tình trạng quan hệ đồng tính luyến ái trở nên công khai và đang được kêu gọi để công nhận và bảo vệ; tình trạng mại dâm và buôn bán người tràn lan; tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tiếp tục tồn tại dù xã hội đã có nhiều cải cách và có bước tiến dài trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng đó; sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội khiến cho tội lỗi gia tăng, v.v…
Vì vậy, sự đóng góp của Cơ Đốc nhân vào nền đạo đức xã hội trước sự suy thoái nghiêm trọng về các vấn đề đạo đức trong xã hội hiện nay là việc làm cần thiết. Vì suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của đạo đức là hạnh phúc, là sự tăng trưởng, sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người và dẫn đến một xã hội tốt đẹp, mà đối với Cơ Đốc nhân thì khuôn mẫu đạo đức cho sự phát triển toàn diện chính là Chúa Giê-xu.[40] Và cho dù Hội Thánh không phải là một hội về đạo đức, nhưng “đạo đức là một phần trong giáo lý” của Hội Thánh,[41] cho nên Hội Thánh không thể bỏ qua vấn đề đạo đức, bởi cớ:
“Mọi Cơ Đốc nhân đều bị chất vấn gắt gao trước lý tưởng đạo đức: “các ngươi là muối của đất… là sự sáng của thế gian”. Vì vậy, đứng trước một xã hội đang suy thoái, Hội Thánh có một cái gì đó để sống, để nói lên, và trước hết hết có một mẫu gương để nêu ra. Là một thành trì được xây trên cao, và được Thánh Linh tình yêu soi chiếu, Hội Thánh có bổn phận đem lại ánh sáng cho trái đất nầy. Như thế, Hội Thánh có một nền đạo đức và có một thầy dạy đạo đức chứ không phải là một Hội Thánh lên giọng dạy đạo đức”.[42]
Kinh Thánh dạy Cơ Đốc nhân phải chu toàn các bổn phận ngay trong thế gian, tương ứng với chức phận trong cuộc sống dành cho mỗi người trong xã hội (I Cô-rinh-tô 7:17-24; Ê-phê-sô 6:1-9). Điều đó có nghĩa là nếu mỗi Cơ Đốc nhân có nghề nghiệp hoặc làm việc cách chính đáng trong đời thường đều có ý nghĩa và giá trị, đáng trân trọng.[43] Đó chính là hoạt động đạo đức cao nhất mà con người có thể đảm nhiệm ở đời nầy.[44]
Cuối cùng, ở một góc nhìn khác trong bối cảnh Việt Nam, sự đóng góp của Cơ Đốc nhân vào nền đạo đức xã hội dễ dàng được chấp nhận nhất. Cơ Đốc nhân được giáo huấn tuân giữ điều răn và những mạng lệnh của Chúa, sống theo cách của Chúa, mà Phao-lô khẳng định rằng, “yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó” (Ga-la-ti 5:23).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Trị sự Tổng liên hội. Khai trình công việc Chúa 2001-2005. Hồ Chí Minh: Văn phòng Tổng liên hội, 2005.
Ban Trị sự Tổng liên hội. Khai trình công việc Chúa 2005- 2009. Hồ Chí Minh: Văn phòng Tổng liên hội, 2009.
Barclay, William. Ethics in a Permissive Society. New York: Harper & Row Publishers Inc., 1971.
CMA. Historical Timeline. http://www.cmalliance.org/resources/archives/timeline (truy cập ngày 1/6/2013).
Đào, Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Đồng Tháp: Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1998.
Đông, Phong. Về nguồn Văn hóa Cổ truyền Việt Nam. Cà Mau: Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1998.
Faivre, Alexander. Giáo dân trong những thế kỷ đầu của giáo hội. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.
Hồ, Nguyên Kha. Xây dựng một Hội Thánh tự lực tự cường về phương diện tài chánh. Tham luận đóng góp cho Diễn đàn thần học Việt Nam 2013.
Hồ, Tấn Sáng. “Đạo Tin Lành và ảnh hưởng của nó đối với một số lĩnh vực xã hội ở Tây Nguyên”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2008): 30-35.
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam). Hiến Chương (2001).
Lê, Hoàng Phu. Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965). Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.
Lê, Văn Thái. Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ. Sài Gòn: Cơ quan xuất bản Tin Lành.
Max, Karl. “Ảo tưởng tôn giáo và nhiệm vụ của lịch sử”. Những vấn đề Nhân học Tôn giáo. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006.
Mã, Phúc Thanh Tươi. “Vài nét tương đồng trong đạo đức Tin Lành và đạo đức truyền thống”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 12 (2011): 53-60.
Nguyên, Ngọc. “Nghĩ thêm về bản sắc”. Văn hóa thời Hội nhập. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2006.
Nguyễn, Hữu Ái & Nguyễn Mai Phương. Phong tục cổ truyền Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2003.
Nguyễn, Khắc Đức. “Xu hướng biến động của đạo Tin Lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (2010): 42-47.
Nguyễn, Xuân Hùng. “Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin Lành đối với văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 (2000): 45-54.
Nguyễn, Văn Nam. “Ảnh hưởng của đạo Tin Lành với thiết chế xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”. Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2008): 36-42.
Rey-Mermet, Théodule. Một lối nhìn mới về luân lý. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông, 2009.
Talmon, Yonina. “Phong trào thiên niên: Quan hệ giữa tôn giáo và thay đổi xã hội”. Những vấn đề nhân học tôn giáo. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006.
Tổng cục thống kê. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2010. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống Kê, 2011.
Trần, Thị Kim Oanh. Mấy vấn đề giảng dạy môn Tôn giáo học trong tiến trình hội nhập. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, n.d.
Trương, Văn Thiên Tư. Mệnh Trời - Hướng đến một thần học sứ mạng Việt Nam. California: Luận án Tiến sĩ trình Đại học Berkeley, 2009.
UNDP Việt Nam. Việt Nam: Một số điển hình phát triển bền vững. Hà Nội: UNDP, 2011.
UNDP Việt Nam. Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người - Báo cáo Quốc gia về Phát triển Con người năm 2011. Hà Nội: UNDP, 2011.
Walle, Bernie A. Van De. Trái tim của Phúc âm. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
Weber, Max. Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản. Hà Nội: Nhà xuất bản Trí Thức, 2008.
----------------------------------------------------------------
[1] Tổng cục thống kê, Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2010 (Hà Nội: Nhà xuất bản Thống Kê, 2011), 21.
[2] UNDP Việt Nam, Việt Nam: Một số điển hình phát triển bền vững (Hà Nội: UNDP, 2011), 21.
[3] UNDP Việt Nam, Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người - Báo cáo Quốc gia về Phát triển Con người năm 2011 (Hà Nội: UNDP, 2011), 14-15.
[4] Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Hiến Chương, Chương I, Điều 5.
[5] Lê Hoàng Phu, Lịch sử Hội Thánh Tin lành Việt Nam (1911-1965) (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010), 93.
[6] Ibid., 90-94.
[7] Bernie A. Van De Walle, Trái tim của Phúc âm (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011), 19-26.
[8] CMA, Historical Timeline. http://www.cmalliance.org/resources/archives/timeline (truy cập ngày 1/6/2013).
[8] CMA, Historical Timeline. http://www.cmalliance.org/resources/archives/timeline (truy cập ngày 1/6/2013).
[9] Yonina Talmon, “Phong trào thiên niên: Quan hệ giữa tôn giáo và thay đổi xã hội”, Những vấn đề nhân học tôn giáo (Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006), 416.
[10] Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ (Sài Gòn: Cơ quan xuất bản Tin lành, 1971), 238.
[11] Ibid., 229.
[12] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (Đồng Tháp: Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1998), 259.
[13] Lê Hoàng Phu, op.cit., 229-230.
[14] Lê Văn Thái, op.cit., 156-159.
[15] Lê Hoàng Phu, op.cit., 358-363
[16] Ibid., 366-367.
[17] Ibid., 367-369.
[18] Ban Trị sự Tổng liên hội, Khai trình công việc Chúa 2001-2005 (Hồ Chí Minh: Văn phòng Tổng liên hội, 2005), 16-19.
[19] Ngày 26/12/2004, một cơn sóng thần đã xảy ra tại Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Somali, và các nước Đông Phi… làm thiệt mạng gần 300.000 người. Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã phát đi một thông báo khẩn đến toàn thể Hội Thánh để cầu nguyện và “đóng góp trực tiếp với các cơ quan cứu trợ của Chính quyền địa phương”. (Văn thư số 1489/2005/TLH-TB ngày 17/1/2005). Trong những năm gần đây, còn có thêm những đoàn Khám chữa bệnh lưu động được tổ chức để hoạt động tại miền Bắc cũng như Lào và Campuchia.
[20] Ban Trị sự Tổng liên hội, Khai trình công việc Chúa 2005- 2009 (Hồ Chí Minh: Văn phòng Tổng liên hội, 2009), 58-63.
[21] Hồ Nguyên Kha, Xây dựng một Hội Thánh tự lực tự cường về phương diện tài chánh (Tham luận đóng góp cho Diễn đàn thần học Việt Nam 2013), 2.
[22] Lê Hoàng Phu, op.cit., 278-279; Lê Văn Thái, op.cit., 228-242.
[23] Lê Hoàng Phu, op.cit., 279-280.
[24] Ban Trị sự Tổng liên hội, Khai trình công việc Chúa 2005- 2009, 76.
[25] Lê Hoàng Phu, op.cit., 365-367.
[26] Karl Max, “Ảo tưởng tôn giáo và nhiệm vụ của lịch sử”, Những vấn đề Nhân học Tôn giáo, op.cit., 31-32.
[27] Hồ Tấn Sáng, “Đạo Tin Lành và ảnh hưởng của nó đối với một số lĩnh vực xã hội ở Tây Nguyên”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2008): 30-35; Nguyễn Văn Nam, “Ảnh hưởng của đạo Tin Lành với thiết chế xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2008): 36-42.
[28] Trần Thị Kim Oanh, Mấy vấn đề giảng dạy môn Tôn giáo học trong tiến trình hội nhập (Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, n.d.), 8.
[29] Hồ Tấn Sáng, op.cit., 31-32.
[30] Nguyễn Khắc Đức, “Xu hướng biến động của đạo Tin Lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (2010): 42-47.
[31] Nguyễn Xuân Hùng, “Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin Lành đối với văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 (2000): 45-54.
[32] Đào Duy Anh, op.cit., 258.
[33] Nguyên Ngọc, “Nghĩ thêm về bản sắc”, Văn hóa thời Hội nhập (Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2006), 78.
[34] Đông Phong, Về nguồn Văn hóa Cổ truyền Việt Nam (Cà Mau: Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1998), 4-8.
[35] Hồ Tấn Sáng, loc.cit.; Nguyễn Văn Nam, loc.cit.
[36] Đào Duy Anh, loc.cit.
[37] Alexander Faivre, Giáo dân trong những thế kỷ đầu của giáo hội (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010), 41.
[38] Trương Văn Thiên Tư, Mệnh Trời - Hướng đến một thần học sứ mạng Việt Nam (California: Luận án Tiến sĩ trình Đại học Berkeley, 2009), 145.
[39] Nguyễn Hữu Ái & Nguyễn Mai Phương, Phong tục cổ truyền Việt Nam (Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2003), 32.
[40] Théodule Rey-Mermet, Một lối nhìn mới về luân lý (Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông, 2009), 30.
[41] William Barclay, Ethics in a Permissive Society (New York: Harper Row Publishers Inc., 1971), 13.
[42] Théodule Rey-Mermet, op.cit., 33.
[43] Mã Phúc Thanh Tươi, “Vài nét tương đồng trong đạo đức Tin Lành và đạo đức truyền thống”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 12 (2011): 57.
[44] Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản (Hà Nội: Nhà xuất bản Trí Thức, 2008), 131-145.
Mục sư Hồ Nguyên Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét