Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

Người Đau Khổ Mong Ước Gì Nơi Bạn Trong Mùa Giáng Sinh? (20/12/2017)

 Tác giả: Vaneetha Rendall Risner
Một tuần sau khi đứa con nhỏ tên là Paul của tôi qua đời, tôi đi đón đứa con gái hai tuổi ở trường mẫu giáo. Chẳng ai nói với tôi một lời nào ngoài câu “Cô bé đây nè.” Tôi biết họ không biết phải nói gì, nhưng sự im lặng đó đã thắt bóp lòng tôi. Tôi chỉ  kịp chạy vội khỏi phòng học của con trước khi những giọt nước mắt trào ra.
   “Khi có ai đó nhận biết nỗi đau của bạn thì đó là món quà cho bạn.”
Khó có thể nói được gì khi ai đó vừa trải qua một sự mất mát lớn. Có lẽ câu “Xin chia buồn với bạn” nghe giống như một lời sáo rỗng, vì thế không nói gì hết dường như là dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, đối với những ai đang đau khổ, sự lặng thinh của bạn khiến nỗi đau của họ trở nên tệ hơn, nhất là vào mùa Giáng sinh khi nỗi đau về sự mất mát tăng cao. Gánh nặng của những bi kịch như mất người thân, ly hôn, bệnh tật, gia đình chia ly, trầm cảm, tai nạn… đều có thể làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy nặng nề hơn trong những dịp lễ hội thế này, vì chúng khiến chúng ta nhớ nhiều đến những mất mát của mình.
Tôi đã phải chôn cất con, đã phải trải qua bốn lần sảy thai, một lần ly hôn không mong muốn, phải nuôi dạy đứa con tuổi thiếu niên có vấn đề, và tiếp tục đối đầu với sự bất lực ngày một tệ hơn và đau đớn hơn – vì thế tôi hiểu rõ thời điểm này trong năm thật là khó khăn đến dường nào. Vì mỗi người và mỗi sự mất mát thì không ai giống ai, cho nên từ chính kinh nghiệm bản thân, tôi muốn đưa ra 5 lời đề nghị đối với việc quan tâm, chăm sóc những ai đang trải qua nỗi đau trong mùa Giáng sinh này.
1. Nhận biết sự mất mát
Có được ai đó nhận biết nỗi đau của bạn thì đó là món quà quý giá. Dầu người đau khổ ấy chưa hề thổ lộ với bạn điều đó, nhưng sự đau buồn của cảnh ngộ sẽ cứ liên tục bao trùm suốt mùa lễ hội. Khi chúng ta bày tỏ sự nhận biết của mình về nỗi đau của họ, điều đó cho thấy rằng chúng ta để ý và quan tâm đến họ. Lời nói chúng ta không nhất thiết phải sâu lắng hay sâu sắc, nhưng việc bạn nhận biết thực trạng về nỗi đau hiện tại của họ sẽ mang đến một sự khích lệ lớn.
Những câu nói có thể là:
“Mình biết lễ Giáng sinh năm nay thật là buồn đối với bạn. Ước gì bạn không phải đối diện với hoàn cảnh đau đớn thế này.”
“Mất vợ là nỗi đau không gì có thể khỏa lấp, nhất là trong mùa Giáng sinh này. Chúng tôi cũng rất nhớ cô ấy, và chúng tôi biết bạn còn đau gấp bội.”
“Mình biết những vấn đề sức khỏe hiện nay của bạn đang khiến bạn khó có thể vui hưởng Giáng sinh vì bạn không thể làm được những việc bạn yêu thích và từng làm trước đây. Mình thương bạn quá!”
2. Điều chỉnh sự mong đợi
Do bị chao đảo bởi những mất mát trong mùa lễ này nên có lẽ những người bạn của chúng ta không thể làm được những việc mà họ đã từng làm trước đây. Vì không thể chạy tìm mua quà như trước nên có thể họ không thể tham dự buổi trao đổi quà như thông lệ hằng năm. Những buổi giao lưu có lẽ đòi hỏi phải đóng góp hết mình từ thể chất đến tình cảm. Hãy tìm cách mời những người bạn này tham dự, và tình nguyện đi với họ nhưng cũng hãy thông cảm nếu họ hủy bỏ vào phút cuối. Những người đau khổ thường không biết điều họ có thể làm đến khi cận kề một sự kiện nào đó.
Cũng hãy bày tỏ tinh thần ân điển khi họ xuống tinh thần hay bị trầm cảm. Nước mắt và sự cáu gắt có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Bạn không cần phải làm cho họ vui vẻ, nhưng hãy hiểu rằng cảm xúc của họ liên tục ở trên bờ vực. Sự hỗ trợ và khích lệ của bạn mang đến nhiều tác động tích cực hơn điều bạn có thể nhận ra.
3. Chủ động cung ứng sự trợ giúp
Thận trọng tìm cách giúp đỡ trước khi đưa ra những đề nghị cụ thể. Khó có thể làm theo lời mời gọi không rõ ràng, vì thế đừng chỉ nói, “Nếu bạn cần gì, hãy gọi cho mình.” vì họ sẽ không gọi bạn đâu. Nếu bạn đưa ra một sự hỗ trợ cụ thể, hãy kiên định với điều đó. Đây là thời điểm bận rộn trong năm, nhưng nếu bạn thực sự có lòng giúp đỡ, họ sẽ nhờ cậy bạn.
“Cố gắng sửa người khác chỉ làm cho nỗi đau của họ hằn sâu hơn. Những lời khuyên không mong đợi sẽ trở thành những lời chỉ trích.”
Một số việc hữu ích có thể là:
Tình nguyện giúp mua sắm Giáng sinh, trang trí, hay thậm chí là gói quà. Vì thức ăn có phần quan trọng trong mùa lễ, hãy tình nguyện nấu nướng gì đó, hay thậm chí là mời cả gia đình họ cùng ăn tối. Sau khi chồng tôi qua đời, quả thực món quà vô giá cho tôi đó là khi được bạn bè mời về nhà, để tại nơi đó chúng tôi hình thành những kỷ niệm mới.
Tình nguyện chạy đi mua đồ, ra bưu điện hay đón con giùm họ.
Giữ con cho họ vào một buổi chiều nào đó cũng có thể là sự giúp đỡ lớn, cho họ có thời gian ở một mình, nghỉ ngơi, hay làm việc gì đó.
4. Chỉ hỏi thăm mà không áp đặt điều gì
Dầu mọi người trong buổi họp mặt có thể biết rõ họ và quan tâm đến họ, nhưng đừng bắt họ phải trả lời điều gì khi có sự hiện diện của nhiều người – vì thế hãy hỏi họ ở nơi riêng tư. Tôi từng cảm thấy khó chịu và ngượng khi bị hỏi bạn thế nào rồi ngay trước mặt nhiều người; khó có thể thành thật nói ra mọi điều khi mọi người chăm chú nhìn tôi.
Hãy thường xuyên gọi điện hoặc ghé thăm. Câu hỏi, “Hôm nay bạn sao rồi?” có thể mở cửa cho cuộc trò chuyện vì nó thể hiện sự nhận biết rằng đau buồn và sự đau khổ thay đổi từng ngày. Nó cũng tạo cơ hội để họ trả lời câu hỏi mà không tạo cảm giác phải tóm tắt mọi chuyện đã xảy đến với họ trong những tháng ngày qua. Đừng đặt những câu hỏi tò mò tọc mạch, quá riêng tư hay nói với giọng rầu rĩ. Điều đó thường khiến họ không thoải mái, và bạn không còn giống như người bạn thân của họ nữa.
5. Cứ để họ khóc, đừng cố ngăn họ.
Trái lại, hãy hướng họ về với Chúa và nhắc họ về sự thành tín của Ngài.
Tôi vẫn mang ơn những người bạn đã để tôi khóc và trút nỗi lòng mà không phân tích hay lên án tôi. Cố gắng sửa người khác chỉ làm cho nỗi đau của họ hằn sâu hơn. Những lời khuyên không mong đợi chỉ sẽ giống như lời chỉ trích. Sẽ khiến họ bị tổn thương khi nói rằng người khác cũng trong cảnh ngộ như vậy nhưng biết tiếp nhận lời đề nghị cần thay đổi. Sự chữa lành dành mỗi người mỗi khác. So sánh tiêu cực sẽ khiến vết thương càng sâu thêm.
“Nhắc họ rằng lời Chúa khiến tâm linh sống lại, nhưng đừng chĩa mũi dùi vào họ bằng những bài giảng hay những lời tẻ nhạt.”
Thay vào đó, chúng ta có thể nhắc họ nhớ rằng niềm vui thật của Giáng sinh không phải ở gia đình, bạn bè, việc trao quà nhau hay các bữa tiệc, nhưng chính là một Đức Chúa Trời nhập thể đã đến thế gian và ngự giữa chúng ta. Ngài là Giê-xu và mang lấy thân xác con người vì cớ chúng ta để chúng ta có sự sống vĩnh hằng trong Ngài.
Hãy nhắc họ rằng ân điển Chúa luôn dẫy đầy cho chúng ta và lời Ngài khiến tâm linh chúng ta sống lại. Đừng chỉa mũi dùi vào họ bằng những bài giảng hay tấn công tới tấp bằng những lời vô vị. Đường lối Chúa vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người và chúng ta cũng không biết tại sao tai ương lại đến với chúng ta.
Hãy nhắc họ nhớ rằng Cứu Chúa thành tín của chúng ta sẽ không bao giờ thất tín hay từ bỏ họ. Ngài đồng đi và cùng khóc với họ. Hãy nhắc họ nhớ rằng Ngài biết rõ từng nan đề của họ. Niềm hy vọng không hề lay chuyển cho tất cả chúng ta chỉ có thể được tìm thấy ở Đấng Em-ma-nu-ên, vì Đức Chúa Trời chúng ta đã đến với chúng ta và Ngài sẽ luôn ở bên chúng ta.

Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/what-suffering-people-wish-you-would-do-at-christmas


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét