Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

Cơ hội để nói! (12/05/2019)

HTTLVN.ORG – Còn nhớ hồi còn nhỏ tôi đã nhiều lần muốn bày tỏ tình cảm của mình, muốn nói ra lời yêu thương từ tận đáy lòng, nhưng tôi đã không làm được. Có lẽ vì hồi đó còn nhỏ nên nhút nhát, nói ra sợ người ta nghe thấy sẽ cười, hoặc là chưa có một cơ hội, không gian nào đủ lãng mạn để bày tỏ điều đó, nên cứ đành giữ chặt trong lòng, mặc cho thời gian trôi đi từ năm này qua năm khác. Nhưng hôm nay tôi đã thấy cơ hội.
Đó là vào đêm 12/05/2019, tại một góc sân phía trước nhà thờ Tin Lành Long Khánh (Đồng Nai), nơi diễn ra chương trình hiếu kính cha mẹ với chủ đề “Tôi Kể” do các bạn thanh niên trong Hội Thánh tổ chức. Đây đã trở thành một chương trình truyền thống của ban thanh niên khi nó được tổ chức xuyên suốt 6 năm qua vào Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng Năm để bày tỏ lòng biết ơn tới các bậc sinh thành.
Toàn cảnh chương trình
Những bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn trước sân từ rất sớm, sân khấu cũng được chuẩn bị tươm tất tạo nên một không gian gần gũi, thân thiện. Các bạn nam thanh, nữ tú trong nhà Chúa hoá thân thành những người phục vụ bàn chuyên nghiệp trong trang phục áo sơ-mi trắng, quần tây đen, nhanh nhẹn phục vụ nước uống và thức ăn nhẹ cho các bậc phụ huynh, khách mời tới dự.
Các bạn trẻ phục vụ rất tận tình cho khách tới dự
Chương trình được bắt đầu bằng một trò chơi tương tác giữa cha mẹ và con cái. Với thử thách bị bịt mắt và phải tìm ra con mình từ nhiều đứa trẻ nhưng kết thúc trò chơi tất cả cha mẹ đều tìm chính xác con của mình. Tuy nhiên, khi đổi vai thì những người con lộ rõ sự lúng túng và cũng có người chọn nhầm. Tuy là một trò chơi đơn giản nhưng cũng cho thấy được cha mẹ gần gũi và quan tâm đến con cái của mình như thế nào.
Trò chơi mở đầu chương trình
“Tôi Kể” là cơ hội để nói lên thực tại về sự quan tâm của các bạn trẻ dành cho cha mẹ mình. Càng lớn lên thì cơ hội gần gũi với cha mẹ càng ít đi bởi quyết định về nhà dần bị đẩy lùi bằng những lời mời đi chơi của bạn bè hay những buổi liên hoan của sếp. Hoặc là có những bạn đang quen với người không cùng niềm tin nên cuối tuần ít về sinh hoạt với thanh niên, ít cơ hội gần cha mẹ (đa phần thanh niên Long Khánh tuy học và làm ở Sài Gòn những cuối tuần vẫn về nhà và nhóm lại với ban thanh niên).
Xuyên suốt chương trình không có sự xuất hiện của một MC chuyên nghiệp hay ca sĩ nổi tiếng nào. Từ đạo diễn, người đàn, người hát, âm thanh, ánh sáng đều là “cây nhà lá vườn.” Đôi lúc có những câu hát không thể nghe rõ lời vì tiếng hát xen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào và nước mắt của người hát khi hát về cha mình. Ở đó cũng không có những câu chuyện “ngôn tình” lãng mạn. “Tôi Kể” đơn giản chỉ là những câu chuyện thời thơ ấu ba tập xe đạp, chiếc quần rộng hơn vài phân mẹ mua vì nghĩ con sẽ lớn nhanh lắm. Hay là lời tâm sự của người mẹ phải gởi cậu con trai đầu lòng chưa đầy 5 tuổi ra thị xã cách đây 18 năm vì hồi đó gia đình khó khăn, xung quanh nhà có nhiều nguy hiểm. Dù phải sống xa con nhưng tình cảm của người mẹ không hề vơi đi chút nào, vẫn ngày đêm nguyện cầu cho con trai mình. Để rồi hôm nay, cậu ấy là một nhân lực nòng cốt của ban thanh niên, một người ham thích lời Chúa và cũng đang góp phần vào chương trình này.
Người Mẹ chia sẻ câu chuyện về con trai mình
“Tôi Kể” cũng là cơ hội để những người xung quanh có thể hiểu được về cách người Tin Lành bày tỏ lòng hiếu kính và xoá đi lời đồn vô căn rằng “người tin Chúa bỏ ông bỏ bà.” Những vị khách đi đường hiếu kỳ thi thoảng cũng dừng lại để lắng nghe về chương trình ý nghĩa này.
Nhiều người đi ngang cũng ghé lại để nghe
Chương trình cũng là cơ hội để những người con thường ngày cứng đầu có thể nói ra những lời xin lỗi, những câu cảm ơn đến bậc sinh thành. Các bậc cha mẹ cũng có thể gởi những lời nhắn nhủ, mong đợi đến với khúc ruột của mình. Suốt hai giờ đồng hồ, chương trình đã lấy đi không ít nước mắt của hơn 120 người tham dự, nhưng bù lại là chừng đó mối quan hệ được trở nên bền chặt hơn.
Những người con nhảy “flashmob” tặng ba mẹ
Với riêng tôi, tôi cũng tìm ra cơ hội cho chính mình. Tôi dồn hết can đảm để gọi về cho ba một cuộc gọi vỏn vẹn 58 giây, câu nói yêu thương cũng chỉ 5 chữ. Vọng lại từ đầu dây bên kia là vài tiếng hít nhẹ, lặng yên vài giây. Ba gởi lại tôi lời cảm ơn và câu dặn dò hãy chăm sóc bản thân. Ba từng đối diện với nhiều hoàn cảnh khốn cùng, nhưng hiếm khi tôi thấy Ba khóc như vậy. Tôi không chắc được điều ba đang nghĩ trong lòng là gì, còn riêng tôi, tôi nhẩm đi nhẩm lại một câu “Cơ hội là khi mình còn có thể.”
Bài viết: Người Vỡ Đất
Ảnh: BTN Long Khánh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét