Tình yêu là gì? Tìm tình yêu đích thực có dễ không? Phải chăng!
“Có khó gì đâu một buổi chiều,
Gặp cô em gái xinh xinh ấy,
Rồi thương rồi nhớ gọi là yêu.”
Gặp cô em gái xinh xinh ấy,
Rồi thương rồi nhớ gọi là yêu.”
Nếu tình yêu chỉ đơn giản như vậy, thì tại sao có không ít các bạn thanh thiếu niên đã và đang rơi vào cảnh tuyệt vọng, bi lụy, sẵn sàng tự tử để cố níu kéo tình yêu? Cũng không khó để thấy những gia đình tráng niên ra tòa ly dị, sau khi đã sống với nhau một vài năm. Hay những cặp vợ chồng đã hai thứ tóc, “con đàn cháu đống”, mà vẫn chia tay với một lý do thật đơn giản: “không hợp”. Đây không chỉ là thực trạng chung của xã hội, mà trong cộng đồng Cơ Đốc cũng có không ít các trường hợp dở khóc, dở cười. Bởi thế, một số các thanh tráng niên đã tự nhủ, thà sống cuộc đời độc thân, còn hơn phải khổ trong tình yêu. Thực trạng này, đang đặt trên vai của tất cả thanh thiếu niên Tin Lành một trách nhiệm!
Giữa một thế giới mà mọi thứ đều có hàng “fake” thì tình yêu Cơ Đốc phải “cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành” (Rô-ma 12:9). Dưới đây là những câu chuyện về “tình yêu Cơ Đốc chánh hiệu”, biết đâu từ một trong những câu chuyện này, sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, hay bài học quý báu giúp mỗi chúng ta biết cách cư xử phải lẽ trong tình yêu!
- Yêu không phải là hiến dâng trước khi cưới:
Ân, Ái và Uyên là cặp ba thân thiết trong một Ban Thanh Niên. Ân và Ái quen nhau đã được hai năm. Từ khi quen nhau, hai bạn dành khá nhiều thời gian cho nhau hơn là cho Hội Thánh. Trong những lúc đi chơi riêng với nhau, Ân bị cám dỗ, nên thường xuyên nói thầm với Ái: “Mình yêu nhau thì phải cho nhau chứ, vì trước sau gì cũng là vợ chồng”, nhiều lần như một. Trước những lời đường mật của Ân, Ái đã phạm tội cùng Ân trong một lần đi dã ngoại. Bắt đầu từ hôm ấy, Ân dần dần lánh xa Ái, nhưng lại quay sang gần gũi, thân thiết hơn với Uyên. Nhiều lần Ái bắt gặp Ân đi chơi riêng với Uyên, Ân cũng khẳng định với mọi người là mình đang quen Uyên. Ái khóc thật nhiều, tưởng chừng như không còn nước mắt. Ái nhờ một người bạn gọi điện hỏi Mục sư để tư vấn:
– “Khi phạm tội tà dâm mà ăn năn thì có được đám cưới trong nhà thờ không?”.
– Mặc dù ăn năn thì Chúa tha tội, nhưng điều chắc chắn là không được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ, vì đã không còn thánh khiết trước mặt Chúa và Hội Thánh. Ái quyết định đi nhảy sông tự tử. Nhưng nhờ những lời tâm vấn và khích lệ của Mục sư cùng bạn bè, Ái đã dần bình tĩnh và không còn nghĩ đến cái chết.
Xã hội càng phát triển, chuyện tình dục đã trở thành một chuyện bình thường khi hai người quen nhau. Nhưng Cơ Đốc nhân thì cần phải giữ điều quý giá ấy đến sau khi ra mắt Chúa và Hội Thánh. Yêu không phải chỉ là hiến dâng khi đang yêu, nhưng là sống thánh khiết và chung thủy đến trọn đời. Vì “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4).
- Yêu thì phải cùng hướng về một mục tiêu:
Phúc là một thanh niên nhà nghèo, nhưng siêng năng và yêu mến Chúa. Khi được Chúa kêu gọi, Phúc sẵn sàng dâng mình hầu việc Ngài. Nhưng bởi tính ít nói, lại mặc cảm với hoàn cảnh, và biết công tác hầu việc Chúa là một chức vụ phải đối diện với nhiều khó khăn, nên dù có một vài cô thiếu nữ đến làm quen, nhưng một vài ngày thì cả hai đều thấy không hợp. Bởi lẽ, khi gặp cô nào, Phúc cũng chỉ hỏi một câu: “Em có sẵn sàng chịu khổ để phục vụ Chúa với anh không?”, các câu trả lời thường là:
– Em cũng chưa biết!
– Để em cầu nguyện với Chúa!
– Chắc em không chịu nổi, …
Nhưng trong một kỳ trại thanh niên, Phúc gặp Hạnh. Một cô thiếu nữ nhà nghèo, nhưng sốt sắng góp phần công việc Chúa. Hạnh đã cầu nguyện nhiều năm, cho hôn nhân của mình. Hạnh xin Chúa đưa đến một người nam cao hơn mình cái đầu, yêu mến Chúa và phục vụ Ngài. Dù cả hai đã biết nhau nhiều năm, nhưng chỉ là tình bạn. Kỳ trại ấy, cả hai chung một nhóm, có cơ hội nói chuyện nhiều, cả hai thấy hơi hợp nhau. Phúc lấy hết can đảm nói với Hạnh:
– Hạnh, …em có sẵn sàng chịu khổ hầu việc Chúa với anh không? Không suy nghĩ lâu, Hạnh trả lời:
– Chịu khổ để hầu việc Chúa thì em sẵn sàng theo anh!
Đẹp lòng Chúa, sáu tháng sau, cả hai đã nên duyên chồng vợ. Phúc và Hạnh sống hạnh phúc với nhau đến nay đã hơn 10 năm, sinh hai con, dấn thân hầu việc Chúa. Những khi khó khăn, cả gia đình đều quỳ gối hướng về Chúa cầu nguyện. Chúa vẫn nuôi, và hướng dẫn gia đình ấy đến ngày hôm nay. Gia đình Phúc và Hạnh luôn nhắc nhở nhau câu Kinh Thánh: “ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15b)
“Tình yêu Cơ Đốc chánh hiệu” thì phải vượt lên địa vị, giàu nghèo. Cả hai phải cùng nhìn về một hướng là Chúa, và sẵn lòng cùng nhau vượt mọi gian khổ.
- Yêu không phải là sự nông nổi, nhưng là sự chung thủy dù cách xa nhau:
Trang được Chúa chữa lành căn bệnh ung thư. Biết ơn Chúa, Trang hứa nguyện dâng mình hầu việc Ngài. Trang gặp Trọng một thanh niên nhà nghèo, gánh nặng gia đình. Cả hai cảm mến và rồi yêu nhau. Ai cũng hy vọng sẽ dự một đám cưới thật hạnh phúc của Trang và Trọng. Nhưng, một năm sau, Trang chủ động chia tay với Trọng trong sự bất ngờ của mọi người. Lý do duy nhất: – Em thấy mình không hợp nhau.
Ba tháng sau, Trang cảm mến Nghĩa, cũng là một thanh niên Cơ Đốc. Nghĩa có công việc ổn định, nhưng trong lòng vẫn ấp ủ một khát vọng, đó là dâng mình hầu việc Chúa. Dường như Nghĩa và Trang đều có chung một mục đích. Tình cảm giữa hai bạn ngày một tiến triển tốt đẹp. Mọi người hy vọng, Nghĩa sẽ mang lại hạnh phúc cho Trang.
Theo ước nguyện của cả hai, Trang dâng mình hầu việc Chúa trong công tác truyền giáo tại một nước thứ ba. Nghĩa bỏ hết mọi công việc để học Kinh Thánh và chuẩn bị dâng mình hầu việc Chúa. Một năm trôi qua…
Một buổi sáng đẹp trời, Trang gọi điện về cho Nghĩa: – Anh có khỏe không? Em có một điều muốn nói với anh. Nhưng, em…! Anh Nghĩa ơi! Em thấy mình không hợp nhau, và một năm vừa qua, em nhận thấy em không thể hầu việc Chúa như anh. Em nghĩ, ở bên này mình cũng hầu việc Chúa, nhưng sẽ tốt hơn cho em và cả cho anh. Em nghĩ, anh sẽ gặp một người khác tốt hơn em.
Bây giờ, Nghĩa đã thật sự hiểu câu Kinh Thánh “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (I Cô-rinh-tô 13:8). Nghĩa quỳ gối cầu nguyện trong nước mắt… Trang có được hạnh phúc không? Còn Nghĩa thì sao? Anh có bỏ cuộc giữa đường vì tình yêu ấy không?
“Tình yêu Cơ Đốc chánh hiệu” phải được xây dựng trên sự cầu nguyện, sự chung thủy, cùng nhau chịu khổ và sự hy sinh.
- Yêu thì phải hy sinh:
Anh Tình và chị Thắm sống với nhau gần 20 năm, có hai mặt con, dù đã hơn 40 tuổi mà cả hai vẫn rất tình tứ như ngày mới quen nhau. Điểm đặc biệt của cả hai là sinh cùng ngày cùng tháng. Gia đình bốn người sống với nhau thật hạnh phúc. Bỗng một hôm…
Anh Tình phát hiện khuôn mặt và da vợ mình vàng hơn bình thường, thân thể thì mập lên thấy rõ, chị cũng cho biết mình thường đi tiểu nhiều lần trong ngày. Anh vội vàng đưa chị đi khám tổng quát. Bác sĩ cho biết: Chị bị suy thận cấp 4, cả hai quả thận đều mất chức năng lọc, nên cần phải sớm ghép thận.
Anh chị về nhà và quỳ gối cầu nguyện trong sự tuôn đổ. Gia đình không biết làm sao để tìm người hiến thận. Chợt, anh Tình nói với vợ:
– Em hãy dùng quả thận của anh, vợ chồng mình là một mà. Dù chị Thắm không đồng ý và can ngăn bằng mọi cách, nhưng anh Tình vẫn một mực:
– Em phải sống để cùng anh nuôi dạy hai con đến trưởng thành.
Ca ghép thận không cùng nhóm máu, gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ. Nhưng, …đã thành công vượt quá mong đợi, thận không bị đào thải khỏi cơ thể chị Tình. Việc Chúa làm thật vượt quá sự hiểu biết của anh chị. Anh chị Tình Thắm sống thật hạnh phúc và thắm tình bên hai con.
“Tình yêu Cơ Đốc chánh hiệu” là sẵn sàng hy sinh điều quý nhất cho nhau, như chính Chúa đã hy sinh thân Ngài vì tội lỗi của con người chúng ta.
Hãy yêu, hy sinh và hết lòng chung thủy với người mình yêu, vì cuộc đời ngắn lắm. Hãy để tình yêu chúng ta trong Chúa, lan tỏa mùi thơm Đấng Christ đến những người xung quanh, đừng yêu vội, sống cuồng. Hãy cho con cái chúng ta, một niềm hãnh diện vì cha mẹ chúng.
Paul
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét