Năm 1902, nhà bác học Cophenhagen (Đan Mạch) đã làm thí nghiệm trên một tử tù và chứng minh rằng con người có thể tự ám thị mình và giết chết bản thân chỉ trong một thời gian ngắn. Thí nghiệm chứng minh rằng tâm lý có thể giúp con người tăng thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn để đi đến thành công, cũng có thể khiến con người trở nên yếu ớt, bạc nhược và thất bại.
Một người trưởng thành có tính tự lập và là một lãnh đạo thành công chắc chắn không phải là việc ngẫu nhiên. Nhưng đó là một quá trình phát triển, khi “tâm linh và tâm lý” được nuôi dưỡng, dạy dỗ từ thời thơ ấu. Bởi vậy, ngày nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu vật chất gia tăng, ai cũng muốn nuôi dạy con cái mình theo phương pháp tốt nhất. Sự xuất hiện của quá nhiều phương pháp nuôi dạy con đã khiến cho các ông bố, bà mẹ hoang man không biết đâu là phương pháp tốt nhất. Nhưng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta thật hạnh phúc vì đang sở hữu một cẩm nang nuôi dạy con thành công, đó chính là Kinh Thánh. Tuy nhiên, không phải tất cả Cơ Đốc Nhân đều nhận ra kho tàng quý báu đó, hoặc nhận ra nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi người không biết Chúa lại đang tìm đến và nghiên cứu đưa những nguyên tắc, phương pháp dạy dỗ con cái từ Kinh Thánh. Hãy trở về với Kinh Thánh,
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (
Châm ngôn 22:6). Điều đầu tiên mà Kinh Thánh cho biết để con cái trở nên người lãnh đạo thành công đó chính là “Hãy dạy cho trẻ thơ”.
I/ HÃY DẠY CHO TRẺ THƠ
Hãy bắt đầu dạy cho con từ lúc còn thơ ấu hai phẩm chất của người lãnh đạo trẻ theo I Ti-mô-thê 4:12 Lời nói, nết làm.
1/ Biết nói lời lành (lời nói):
a/ Lời khích lệ: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối” (
Cô-lô-se 4:6).
Hãy cho trẻ thơ sống trong môi trường những lời khích lệ. Tập thói quen khen một ai đó (hoặc chính con bạn) khi họ làm tốt, hoặc chưa tốt cũng nên an ủi và cho họ niềm hy vọng lần sau sẽ làm tốt hơn. Nhưng để làm được điều đó, các bậc phụ huynh hay người lãnh đạo cần nhớ một nguyên tắc Chúa dạy:
“phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (
Gia-cơ 1:19b), đừng để cơn giận giết chết những lời khích lệ, nhưng thay vào đó là tinh thần biết lắng nghe, thấu hiểu những điều trẻ thơ đang suy nghĩ và muốn truyền đạt.
Một bà mẹ dạy con đừng làm rơi vãi cơm trên bàn ăn bằng cách bảo con: “tao mà thấy mầy làm rơi cơm, tao sẽ cho ăn đòn”, đứa trẻ vẫn tiếp tục làm rơi vãi cơm và bị đòn…Một bà mẹ khác lại bảo con: “con ơi!nhiều người vẫn còn thiếu cơm ăn, con đừng làm rơi vãi nữa nhé”, và hướng dẫn con cách cầm muỗng để hạn chế tối đa cơm rơi khỏi chén. Khi đứa bé vô tình hoặc cố ý “chọc tức” làm rơi cơm, bà mẹ lại bảo: “mẹ làm việc cực nhọc để có cơm con ăn, con cố gắng lần sau đừng làm rơi nữa, mẹ tin con sẽ làm được”. Chắc chắn dù đứa trẻ có cứng đầu đến đâu cũng sẽ bị thuyết phục bởi những lời khích lệ và dạy dỗ tích cực.
b/ Cảm ơn và xin lỗi:
Lời cảm ơn và xin lỗi là một biểu hiện văn hóa, là thái độ văn minh, lịch sự trong xã hội. Hai cụm từ này nếu được thể hiện một cách chân thành không những đem mọi người lại gần nhau hơn mà còn giúp giải tỏa những vấn đề khúc mắc, những sự hiểu lầm… Hãy tập cho trẻ thơ thói quen cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ dù là việc rất nhỏ. Nên dạy trẻ biết nhận lỗi và xin lỗi nếu làm sai, dù cố ý hoặc vô tình. Nhưng để trẻ biết cám ơn và xin lỗi thì các bậc phụ huynh cũng nên cám ơn khi trẻ giúp làm một việc nào đó, và sẵn sàng xin lỗi nếu bản thân làm sai hoặc thiếu sót…
c/ Không nói lời giận dữ: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (
Châm-ngôn 15:1). Chúng ta không khó gặp những nhà lãnh đạo hay nóng giận, sẵn sàng trút mọi sự bực tức lên bất kỳ một ai. Hay cũng không khó gặp những đứa con đối đáp với cha mẹ bằng thái độ cộc lốc, bực tức như: “tui biết rồi, nói nhiều quá; ông, bà im đi, lải nhải miết…”.
“Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (
Cô-lô-se 3:21), Lời Chúa khuyên các bậc phụ huynh không được áp đặt hoặc buộc con cái làm điều gì mà không cần giải thích lý do dù đứa bé chỉ mới 4,5 tuổi. Nhưng không được dung dưỡng lối trả lời to tiếng, khó chịu thay vào đó là: dạ, thưa, con nghĩ là, theo con… Sự áp đặt, bắt buộc mà không giải thích dù đúng cũng khiến cho đứa trẻ oán ghét và bất mãn.
Tuy nhiên, cũng không ít người lãnh đạo chỉ giỏi thể hiện bằng lời nói, nhưng lại là gương xấu khiến nhiều người vấp phạm. Lời nói phải đi đôi với việc làm, nên hãy dạy và khích lệ trẻ thơ tập tành biết làm gương tốt cho mọi người xung quanh.
2/ Biết làm gương (nết làm):
Giúp trẻ thơ biết địa vị và sự quan trọng của trẻ trong gia đình, với bạn bè. Không có nghĩa là xem con như “con cầu con khẩn” cưng chìu, muốn gì được nấy. Nhưng cho con trẻ nhận thức nó cũng có một chỗ đứng trong gia đình như những thành viên lớn tuổi hơn. Cho con mình biết chúng phải làm điều tốt, và giúp bạn bè cũng làm điều tốt như mình vì quý phụ huynh và con mình là “muối của đất, sự sáng của thế gian”.
Tục ngữ có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, bởi vậy nhiều bậc cha mẹ ngăn cấm con cái chơi với những đứa trẻ “khó dạy” trong khu vực nhà mình. Ngược lại, quý phụ huynh đừng ngăn cấm, nhưng dạy cho con mình bảo với những đứa trẻ kia biết rằng: “nếu muốn chơi với tui thì các bạn không được nói tục, không được đánh nhau…”, hãy mời những đứa trẻ kia đến nhà và vui vẻ với chúng. Đồng thời cố gắng tìm hiểu thử xem lý do tiềm ẩn phía sau những hành động đó là gì và giúp đỡ chúng! Nhưng quý phụ huynh không bao giờ nhượng bộ để con mình đi cùng những đứa trẻ ấy đến nơi không tốt, hãy chủ động giúp đỡ chúng thường xuyên thực hiện những hành động lành mạnh. Nhanh chóng giúp chúng và chính con bạn có thói quen làm điều tốt.
II/ GIÚP TRẺ NHẬN RA CON ĐƯỜNG TRẺ PHẢI THEO: (con đường sống theo Lời Chúa).
“Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng” (
Sáng 18:19a). Con đường mà quý phụ huynh Cơ Đốc phải dạy để con trẻ tự lập và trở thành người lãnh đạo thành công đó chính làm theo Lời Chúa. Đây chính là con đường đúng mà con trẻ phải theo. Nhưng vấn đề được đặt ra là làm sao dạy trẻ thơ hiểu rằng sống theo lời Chúa là con đường đúng đắn? Trước tiên, ông bà, cha mẹ phải có một đời sống đức tin tăng trưởng bằng duy trì “gia đình lễ bái”, thì giờ cầu nguyện riêng tư. Nói và sống dựa trên đức tin và Lời Chúa. Hãy truyền thói quen và lối sống lành mạnh đó cho con trẻ.
“Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (
II Ti-mô-thê 1:5). Đức tin của Mục sư trẻ Ti-mô-thê được truyền từ bà ngoại và mẹ. Nhiều ông bố bà mẹ cố gắng làm đủ mọi cách để chuẩn bị cho con mình một lượng tài sản đủ lớn và hy vọng rằng số tài sản đó sẽ đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc cho con. Với mục tiêu đó đã khiến nhiều bậc phụ huynh không có thời gian để quan tâm và dạy dỗ con cái. Nhưng hãy chuẩn bị một nguồn tài sản quý báu và có giá trị suốt cả cuộc đời con cái chúng ta, đó chính là “đức tin”.
Ủy ban Cơ Đốc Giáo Dục đã nương theo khải tượng nuôi dạy con cháu của Chúa với 5 cam kết:
Thứ nhất: Biết rõ Chúa Giê-xu là ai?
Thứ hai: Tin Ngài là Chúa Cứu Thế của đời sống.
Thứ ba: Yêu mến Chúa.
Thứ tư: Kính sợ Ngài.
Thứ năm: Hết lòng phụng sự Chúa và làm sáng Danh Ngài.
Nhưng để thực hiện được 5 cam kết trên thì các bậc phụ huynh cần dành ít nhất 15 phút học Kinh Thánh và cầu nguyện với con mỗi người. Hãy kiên trì thực hiện 5 cam kết này hầu cho con trẻ đến lúc thật sự nhận ra
“Ta đã dạy dỗ con đường khôn ngoan, Dẫn con đi trong các lối ngay thẳng. Khi con đi, bước chân con sẽ không ngập ngừng, Và khi con chạy, con sẽ không vấp ngã. Hãy nắm chắc điều khuyên dạy, chớ buông ra; Khá gìn giữ nó, vì là sự sống của con” (
Châm-ngôn 4:11-13).
Trẻ thơ được nuôi dạy với lý tưởng Cơ Đốc cao đẹp sẽ là một nền tảng vững chắc cho một nhà lãnh đạo luôn có niềm tin nơi người khác, kiên định, vững vàng, và quyết đoán trong tương lai.
III/ GIÚP TRẺ THƠ KHÔNG LÌA CON ĐƯỜNG ĐÓ: (sống theo Lời Chúa cả cuộc đời).
Qua thói quen và nếp sống tin kính của phụ huynh, trẻ thơ sẽ có cơ hội biết Chúa, tin nhận Ngài thật lòng và sẵn sàng phục vụ Chúa. Tuy nhiên, một số em thời thơ ấu rất yêu mến Chúa, nhưng đến tuổi thiếu niên, thanh niên thì lại xa cách Chúa. Bởi vậy, để trẻ thơ cứ đi trên con đường đó suốt cuộc đời thì cần nuôi và dạy chúng trong sự yêu thương, tha thứ đi đôi với sự kỷ luật
1/ Tình yêu thương:
Hãy tạo một môi trường sống tràn ngập tình yêu: của sự hy sinh, trong mọi hoàn cảnh, bày tỏ trong lời nói và hành động, thể hiện qua việc sẵn sàng xin lỗi và tha thứ, với Chúa và với người khác. Chắc chắn trẻ thơ được nuôi bằng những loại tình yêu đó sẽ bị buộc vào gia đình và Chúa bằng một sợi dây yêu thương và thuộc linh vì tình yêu thương
“là dây liên lạc của sự trọn lành” (
Cô-lô-se 3:14).
Tình yêu thương trong gia đình cũng cần thể hiện qua việc các bậc phụ huynh dành thời gian chơi chung, trò chuyện và cầu nguyện với con. Nhưng phải cẩn trọng trong cách cư xử công bằng giữa các con đừng như Y-sác và Rê-bê-ca: cha thì thương Ê-sau, mẹ thì thương Gia-cốp để rồi xảy ra sự xung đột giữa các con dẫn đến những hậu quả lâu dài. Các bậc phụ huynh phải luôn sẵn sàng tha thứ khi trẻ thơ biết nhận lỗi, và đừng thường xuyên nhắc lại lỗi con đã từng phạm. Hãy
“tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (
Ê-phê-sô 4:32b).
2/ Kỷ luật:
Tuy nhiên, cần phải thực hành yêu thương đồng thời với kỷ luật. John Wesley (nhà thần học) đã từng khuyên: “đừng cho trẻ con điều nó khóc để đòi”. Trong khi đó những nhà giáo dục chống lại hành động kỷ luật về thế xác. Phương Tây đã và đang thực hiện phương pháp không kỷ luật thể xác và uy quyền của cha mẹ trong gia đình và hậu quả là sự xuất hiện của những đứa con vô trách nhiệm, thích bạo lực, và phạm tội cũng gia tăng. Sự quân bình giữa hai nhận định trên là:
Kỷ luật là biểu hiện cần thiết của tình thương nơi cha và mẹ nhưng đừng thực hiện kỷ luật đòn roi khi đang giận dữ, cha mẹ cần nhớ nằm lòng nguyên tắc:
“phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (
Gia-cơ 1:19b).
Hình phạt có giới hạn đem lại sự kiểm soát và kiềm chế trẻ: đừng áp bức và ép trẻ tất cả mọi điều cần mở rộng giới hạn tự do cho trẻ phù hợp từng độ tuổi. Hãy hình phạt kết hợp với giải thích để trẻ thơ hiểu đâu là giới hạn của chúng, nếu vượt qua thì phải bị kỷ luật. Đừng dùng roi vọt đi đôi với những lời chửi rủa, đay nghiến.
Cần đặt ra những mệnh lệnh, và luật trong gia đình như: cách ăn mặc, xin phép khi muốn đi đâu đó, lễ phép với người lớn, không được đi lang thang ngoài đường…Chính phụ huynh làm gương trong sự thực hiện, thực hiện một cách nghiêm khắc và cứng rắn để chắc chắn đứa trẻ thực hiện như một thói quen.
Tình yêu thương và sự kỷ luật theo nguyên tắc của Chúa sẽ giúp trẻ thơ không rời khỏi con đường sự sống.
Tuy nhiên, hành động kỷ luật vẫn luôn là phương pháp sau cùng khi tất cả những sự khuyên lơn, nhắc nhở không còn có tác dụng. Nguyên tắc chính trong sự dạy dỗ theo Kinh Thánh đó là: yêu thương, thánh khiết và phải công bình.
Các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị cho trẻ thơ một cuộc sống tự lập và trở thành người lãnh đạo trong tương lai bằng việc dành nhiều thời gian với con trong nếp sống thuộc thể và đời sống tin kính với cam kết
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (
Châm-ngôn 22:6).
Ti-mô-thê Tạ