Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

Lãnh Đạo Thuộc Linh Cho “Tuổi Teen” (12/09/2018)

Hướng dẫn thuộc linh cho “tuổi Teen” là một công tác thầm lặng, nhưng cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt, sẽ góp phần xây dựng một thế hệ lãnh đạo tương lai tài năng và sốt sắng. Ngược lại, một vài hành động vô tình hay cố ý của người lãnh đạo cũng có thể “làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi …”
Khi công tác làm chứng cho một người tin nhận Chúa thật khó khăn, hãy tận dụng ân tứ lãnh đạo để nuôi dưỡng và gìn giữ các em thiếu niên. Hội Thánh Chúa đang trông chờ một thế hệ kế thừa nên “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).
Thứ Nhất: “Gương Mẫu” hay “Gương Vỡ”
Thiếu niên từ 11-15 tuổi, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và xã hội. Trong sự phát triển nhân cách, các em thường cố gắng bắt chước những mẫu người lý tưởng. Đa phần không phải là cha mẹ, nhưng thường chính là anh chị đặc trách trong Ban Thiếu niên. Hãy dạy cho các em những bài học, không chỉ là lời nói, bài chia sẻ mà cả một nếp sống, một tấm gương để các em noi theo. Các em có thể quên một bài chia sẻ sau 30 phút, nhưng nhớ mãi một câu nói, một hành động vô tình hay cố ý của người lớn, dẫn đến những suy luận không chính xác, từ đó mất niềm tin hoàn toàn vào người ấy.
Một trong những điều ngăn trở người lãnh đạo, anh chị đặc trách thể hiện tấm gương tốt cho các em thiếu niên, chính là áp lực công việc, gia đình, cùng những mối quan hệ khác. Nhiều khi, các em thiếu niên trở thành nơi để người lãnh đạo thuộc linh trút mọi sự tức giận, “strees” âm ỉ từ gia đình, công việc. Hãy nhớ rằng các em là bầy chiên “của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi-e-rơ 5:2-3).
Thứ hai: Lãnh Đạo Phải “Lãnh Trách Nhiệm”
Trong kinh doanh, phần thưởng dành cho những người sẵn sàng hi sinh vì người khác để họ có thể phát triển, thành công. Nhưng trong quân đội, người ta trao huy chương cho những người sẵn sàng hi sinh vì người khác. Mỗi Cơ Đốc nhân là những chiến sĩ Thập Tự, thì việc người lãnh đạo thuộc linh sẵn sàng nhận trách nhiệm, hi sinh vì bầy chiên nhỏ là điều tất nhiên. Vì ở tuổi thiếu niên, các em ít khi nhận lỗi về mình, dù bản thân làm sai. Thay vì quát mắng, buộc các em phải gánh hoàn toàn trách nhiệm, thì người lãnh đạo thuộc linh cần nhận mọi trách nhiệm về mình. Sau đó, chọn dịp thuận tiện để phân tích diễn giải cho các em hiểu, và chấp nhận thay đổi. Người lãnh đạo thuộc linh của thiếu niên là “bác sĩ thuộc linh”, sẵn sàng gánh thay bệnh tật và đưa các em trở về đường lối Chúa. Như chính Chúa Giê-xu sẵn sàng gánh thay tội lỗi của chúng ta trên Thập Tự Giá, để ai tin thì được cứu.
Lãnh trách nhiệm về mình là một trong năm điều sợ hãi nhất của người lãnh đạo trẻ ngoài xã hội nhưng là điều không thể thiếu đối với người lãnh đạo thuộc linh, vì “chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (Rô-ma 15:1). Người lãnh đạo thuộc linh giỏi phải là người khiến các em thiếu niên luôn có cảm giác an toàn và tin tưởng.
Thứ Ba: “Sĩ Diện”, Đừng “Sỉ Nhục”
Một trong những tâm lý đặc biệt của thiếu niên là thích thể hiện bản thân trước đám đông. Người lãnh đạo thuộc linh của các em, nếu biết áp dụng đặc điểm tâm lý này đúng đắn, sẽ góp phần hình thành những người lãnh đạo thuộc linh dạn dĩ và biết tôn trọng người khác.
Bởi lẽ, thực trạng cho thấy không ít người lãnh đạo thuộc linh thường sửa phạt các em thiếu niên trước đám đông. Đây là điều nên tránh, vì trước mắt có thể giảm được phần nào sự giận của người lãnh đạo, hoặc có mong muốn cảnh báo cho tất cả các em nên nghiêm túc và vâng lời. Nhưng ngược lại, các em có thể nhớ mãi hành động ấy trong sự uất ức cùng nỗi thất vọng từ người lãnh đạo. Một số Cơ Đốc nhân đến tuổi trưởng thành trở nên cay đắng, cứng lòng với Lời Chúa, đa phần là vì từ thời niên thiếu họ phải đối diện với những “cú sốc tâm lý” như: bị sỉ nhục, bị tín hữu khác đối xử tệ, …
Sự sỉ nhục, hay những lời trách móc nặng nề không chỉ tạo nên sự bi quan cho người trưởng thành, mà còn gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với thiếu niên: “Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; Tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai;Tôi mong nhờ người an ủi, song nào có gặp” (Thi Thiên 69:20).
Ngược lại, một lời khích lệ, một cái vỗ tay, một nụ cười, … đúng lúc luôn mang lại niềm hi vọng và tinh thần cầu tiến của các em thiếu niên Cơ Đốc. Vì hầu hết chúng ta và các em thiếu niên hằng ngày đã phải vật lộn với quá nhiều lời nói, và hành động chỉ trích, sỉ nhục, …từ xã hội. Hãy tạo cho các em một môi trường an toàn, bình an, không sỉ nhục, mắng nhiếc, ngăm đe: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6).
Thứ Tư: “Chung Tay”, Không “Chỉ Tay”
Người lãnh đạo thuộc linh cho “tuổi teen” không đồng nghĩa với việc tách mình ra khỏi tập thể. Hãy thực hiện nguyên tắc “cùng làm việc” trong quá trình hướng dẫn thuộc linh, lẫn thuộc thể cho các em. Thiếu niên có khả năng tiếp thu kiến thức rất tốt, nhưng sự trải nghiệm chắc chắn không thể bằng người lãnh đạo thuộc linh của các em. Bởi thế, hãy truyền cảm hứng, kinh nghiệm từ những việc thuộc thể như: trang trí, treo băng-rôn, …đến những việc thuộc linh như: cách hướng dẫn sinh hoạt, cách học Kinh Thánh, cầu nguyện, …
“Tuổi teen” thích khám phá, làm điều mới lạ, nhưng tùy hứng, nếu không cùng làm việc thì chắc chắn các em sẽ làm theo sở thích, làm hời hợt, không quan tâm đến kết quả của công việc ấy. Hãy tin tưởng trao trách nhiệm, nhưng hướng dẫn tận tình với tinh thần phục vụ, đó là những bài học quý báu giúp các em trở thành những người lãnh đạo biết phục vụ người khác: “Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau” (Giăng 13:14).
Những bài học cùng phục vụ, cùng chung tay nên được thực hiện thường xuyên trong nếp sống Cơ Đốc đối với các em: nếu chỉ còn một chỗ ngồi, hãy nhường cho các em; nếu chỉ còn một món quà hãy để các em được nhận; trong bữa tiệc, hãy nhường các em ăn trước; trong việc phục vụ, hãy cùng làm với các em; …
Thứ Năm: “Sức Hút” Hay “Lực Đẩy”
Nếu thực hiện được bốn điều trên, thì chắc chắn người lãnh đạo thuộc linh sẽ tạo nên “sức hút” khiến các em tự tìm đến để chia sẻ những nan đề, và các phước hạnh. Một số người lãnh đạo thuộc linh dù không có tài hùng biện, hay khả năng thuyết phục người khác, nhưng vẫn là nơi để nhiều em “tuổi teen” tìm đến để chia sẻ, để nói, để tìm người lắng nghe và cầu nguyện.
“Lực đẩy” giữa người lãnh đạo thuộc linh và các em được tạo ra không phải hoàn toàn từ các em, nhưng hầu như đến từ người lãnh đạo. Nếu không tạo được niềm tin từ các em, không sẵn sàng chung tay, không cùng làm việc, cùng trò chuyện, cùng đồng cảm thì làm sao các em thiếu niên có thể tin tưởng để chia sẻ, tìm lời khuyên… Đó cũng là lý do khiến nhiều em thiếu niên không thể tìm được nơi để chia sẻ những nan đề, không ít em đã xa cách Chúa, cay đắng và khó trở lại ăn năn.
Lãnh đạo thuộc linh với lứa tuổi thiếu niên đòi hỏi người ấy có mối tương giao tốt với Chúa mỗi ngày, lắng nghe tiếng Chúa phán và có tấm lòng cưu mang các em. Lãnh đạo thiếu niên là người mà các em thích tìm đến để tâm sự vì có những chuyện các em không thể nói với ai thì người lãnh đạo thiếu niên cần đến là người các em tin tưởng và là “thùng rác”để các em trút bầu tâm sự. Chúa giao cho mỗi người những bầy chiên thiếu niên lớn nhỏ khác nhau, có thể đó chính là các con trong gia đình, hoặc một ban thiếu niên. Hãy “giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công Vụ 20:28). Hầu cho trước mặt Đức Chúa Trời được Ngài khen là đầy tớ ngay lành trung tín, chứ không phải là sự quở trách “Đức Giê-hô-va phán: Khốn thay cho những kẻ chăn hủy diệt và làm tan lạc bầy chiên của đồng cỏ ta” (Giê-rê-mi 23:1).

Paul


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét