VIDEO
HAI CÁI NHÌN
MsNc Đinh Thuận QN
MsNc Đinh Thuận QN
Kinh Thánh: Dân-số 13:25-14:9
Câu Gốc: Dân-số 14:8-9
TC 903 “Thành Thánh”
Ban Thanh Tráng
(Thời Gian: 09:47 - Dung Lượng: 58.7 MB
- Quay Phim: Đạt Tài)
Tân Quản nhiệm HT Phan Thiết
(Thời Gian: 32:06 - Dung Lượng: 217 MB
- Quay Phim: Đạt Tài)
- Quay Phim: Đạt Tài)
TC 903 “Thành Thánh”
Ban Thanh Tráng
(Thời Gian: 09:47 - Dung Lượng: 58.7 MB
- Quay Phim: Đạt Tài)
Đăng tin: Phước Hạnh.
ĐỀ TÀI: HAI CÁI NHÌN
Kinh thánh: Dân số ký 13:25-14:9
Câu gốc: Dân số ký 14:8-9
Dẫn nhập:
Câu chuyện xảy ra trong hành trình dân Y-sơ-ra-ên đang ở trong đồng vắng và hướng về đất hứa. Theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va, Môi-se sai 12 thám tử là 12 đầu trưởng chi phái Y-sơ-ra-ên đi do thám xứ Ca-na-an. Đây chỉ là sự thử nghiệm của Đức Chúa Trời để xem thái độ và đức tin của dân sự như thế nào đốii với Chúa. Các thám tử vâng lịnh Môi-se đi do thám xứ trong 40 ngày rồi trở về báo cáo lại cho Môi-se và dân sự. Họ đã đem về hoa quả của xứ là một chùm nho lớn đến nỗi hai người phải khiêng bằng cây sào và những trái lựu và trái vả to đẹp, xinh tốt, thật là xứ đượm sữa và mật như lời Đức Ghê-hô-va đã phán. Thế nhưng, họ có hai cái nhìn khác nhau, hai thái độ và phản ứng khác nhau trong cùng một sự kiện và như thế nan đề đã xảy ra trong vòng dân sự Chúa.
Hôm nay, ôn cố tri tân, chúng ta cùng nhau suy gẫm lại câu chuyện nầy để tìm sự dạy dỗ thiết thực trong đời sống theo Chúa của mình. Bài học với đề tài: HAI CÁI NHÌN, Kinh thánh: Dân-số-ký 13:25-14:9, Câu gốc: "Nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi" (Dân-số-ký 14:8-9).
I. CÁI NHÌN TIÊU CỰC (13:25-14:4):
Nhóm người thứ nhất gồm 10 người là đầu trưởng của 10 chi phái. Họ công nhận rằng đất hứa là là một xứ tốt tươi đượm sữa và mật nhưng không thể đi lên đặng chiếm xứ đó được.
Vì họ nhận thấy rằng:
- Dân của xứ nầy là mạnh dạn.
- Thành trì thì vững vàng và rất lớn.
- Có nhiều dân tộc ở xung quanh.
- Hình dạng chúng thì cao lớn, giềnh giàng.
- Hình dạng chúng tôi thì bé nhỏ như con cào cào không thể thắng hơn được.
Cái nhìn tiêu cực đó đã dẫn đến phản ứng tiêu cực:
- Cả dân sự đều la lên, lớn tiếng khóc lóc.
- Họ lằm bằm cùng Môi-se và A-rôn.
- Than thở về số phận hẩm hiu của mình.
- Muốn nổi loạn, đòi lập quan trưởng khác và trở về Ê-díp-tô.
Cái nhìn của 10 thám tử tiêu cực đó đã kéo theo hầu hết dân sự cũng cùng một quan điểm đó. Họ làm cho dân sự nản lòng, thối chí và nỗi loạn vì tất cả bọn họ chỉ nhìn vào hoàn cảnh, mắt thấy, nhìn vào con người, dùng lý trí để đoán định mà không hề có đức tin nơi Đức Chúa Trời, vội quên tất cả quyền năng và phép lạ mà Chúa đã làm trước đó. Môi-se đã nhắc lại sự kiện nầy trong bài giảng của ông (Phục truyền 1:24-28).
Nhà giáo Nguyễn Bá Học đã viết: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đứng trước núi cao, sông rộng, lòng người e dè, sợ sệt và không dám vượt qua. Nếu không có những người can đảm thì ai sẽ chinh phục những ngọn núi cao, những con sông rộng? Ở đây cũng thế. Dân sự thiếu những người can đảm và thiếu lòng tin cậy nơi Chúa khi Ngài đã từng giáng 10 tai vạ tại Ê-díp-tô, rẽ biển Đỏ cho họ đi qua, ban cho họ Ma-na, chim cút và nước uống, trụ mây, trụ lửa cùng đắc thắng quân thù nghịch…
Cái nhìn tiêu cực trong câu chuyện nầy có thể là cái nhìn của chúng ta trên bước đường theo Chúa. Khi đối diện với nghịch cảnh, hoạn nạn, khó khăn, đau buồn, mất mát thì chúng ta lại quên mất mình có một Đức Chúa Trời toàn năng, đã làm nên nhiều sự giải cứu cho mình và Hội Thánh của Chúa mà chỉ nhìn bằng mắt thấy, nhìn vào hoàn cảnh, dùng ý riêng để đoán định rồi sợ hãi, mất đức tin nơi Chúa, nản lòng, đầu hàng hay thối lui. Đó là chưa nói đến sẽ có những phản ứng tiêu cực như yếu đuối, bỏ sự nhóm lại, phàn nàn oán trách và vấp phạm.
Những câu hỏi tiêu cực chúng ta sẽ đặt ra:
- Tại sao Chúa để tôi hay Hội Thánh Chúa ở trong hoàn cảnh nầy?
- Tại sao tôi phải khổ thế nầy, Chúa có thấy không?
- Chúa đã thử thách tôi quá nặng, tôi đã làm gì mà Chúa phạt tôi như thế?
- Tôi mất hết hy vọng rồi. Tôi mất tất cả rồi.
- Tôi sẽ sống làm sao đây? Chắc Chúa bỏ tôi rồi….
Chúng ta thường phóng đại nan đề của mình lên mà quên rằng thử thách của mình chỉ bằng một phần nhỏ của ông Gióp thôi. Ê-li cũng từng thất vọng và than phiền với Chúa. Ông nghĩ rằng chỉ còn có một mình ông mà người ta đang săn mạng sống mình nhưng ông không biết rằng còn đến 7.000 người trung tín khác nữa…
Bây giờ, chúng ta thử xem và suy gẫm cái nhìn thứ hai:
II. CÁI NHÌN TÍCH CỰC (14:5-9):
Nhóm người thứ hai, ít hơn nhiều: Chỉ có 2 người là Giô-suê và Ca-lép. Họ giống nhóm người thứ nhất khi công nhận rằng xứ thật tốt tươi, đượm sữa và mật nhưng khác ở chỗ họ quả quyết rằng dân sự có thể đi lên đặng chiếm xứ đó được.
Vì họ nhận thấy rằng:
- Nếu đây là ý muốn của Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho.
- Nếu dấy loạn cùng Chúa vì đó là hành động không khôn ngoan.
- Không cần phải sợ hãi dân của xứ dẫu chúng to lớn giềnh giàng (không phủ nhận) nhưng dân đó là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi rồi, và Chúa Giê-hô-va đang ở cùng chúng ta (Như chúng ta đã từng kinh nghiệm…).
Họ có cái nhìn tích cực và dẫn đến phản ứng tích cực là ngăn trở sự lằm bằm của dân sự, can gián dân sự Chúa, tin cậy và đứng về phía Đức Chúa Trời. Nhóm người nầy chỉ là số ít, bằng 1/5 nhóm kia nhưng họ không hùa theo số đông mà vẫn kiên định lập trường của mình: Họ tin cậy Đức Chúa Trời, bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy, đôi mắt đức tin của họ nhìn xem Chúa xuyên qua hoàn cảnh, thấy được ý muốn của Ngài và vững vàng không lay động trước hoàn cảnh thách thức bất lợi. Môi-se cũng đứng về phía của họ, tức là về phía của Đức Chúa Trời (Phục truyền 1:29-33). (Giống như Đa-ni-ên và 3 người bạn Hê-bơ-rơ ở giữa chốn lưu đày…).
Cái nhìn tích cực đó có phải là cái nhìn của chúng ta trên bước đường theo Chúa không? Chúng ta đang nhìn vào Chúa hay nhìn vào hoàn cảnh hoặc nhìn vào con người? (Gương của vua Ê-xê-chia…).
Chúng ta đang đứng về phía Đức Chúa Trời hay đối kháng với Ngài? Đứng với Chúa sẽ thành công và ngược lại sẽ thất bại thảm hại.
Trong những năm tháng khó khăn thử thách và bắt bớ trong lịch sử Hội Thánh Tin lành Việt Nam những năm sau 1975, chúng ta giống như Đa-vít bé nhỏ đứng trước Gô-li-át khổng lồ. Có những người chăn lẫn con chiên thối lui. Họ sợ hãi trước thế lực của đời nầy, thấy mình cô thế, vô quyền nên co rúm lại và thậm chí bỏ chức vụ, bỏ Chúa… Có những người quá sợ hãi trốn ra nước ngoài, mưu cầu sự bình an riêng cho bản thân. Nhưng cũng có quí tôi tớ Chúa và những con chiên trung tín, chân thành, tin cậy Chúa, vững vàng giữa cơn bão tố, lèo lái con thuyền Hội Thánh trong quyền năng của Đức Thánh Linh đi đến bến bờ phước hạnh như chúng ta thấy có được ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, sự thách thức vẫn còn đó dù dưới hình thức khác mềm mỏng hơn, tế nhị hơn nhưng nếu không khéo, nó sẽ tước đoạt khỏi chúng ta sức chiến đấu cho danh Chúa. Chúng ta trở thành thương phế binh hoặc lính về hưu, lính văn phòng, lính kiểng dù vẫn còn mang quân phục, nhãn mác và huy hiệu nhưng vô tác dụng và không còn gây được ảnh hưởng.
Ma quỉ nổ lực làm cho chúng ta sợ và nổ lực làm cho chúng ta quên: Sợ thế lực đời nầy và quên một Đức Chúa Trời quyền năng. Hội Thánh co cụm lại, chỉ lo phòng thủ mà không phát triển, sẽ tàn lụi sau một thời gian nữa khi không có người kế thừa. Nếu Hội Thánh không mạnh dạn và nóng cháy truyền giảng Tin Lành, tiến lên chinh phục đất hứa mà Chúa ban cho, Hội Thánh sẽ dậm chân tại chỗ và thối lui. Đời sống tâm linh cá nhân của chúng ta cũng như vậy. Nếu không tiến, ắt phải lùi. Kẻ đầu trở nên rốt và rốt trở nên đầu đến nổi Chúa ngạc nhiên khi nói rằng: Khi Con người đến, há thấy đức tin trên mặt đất chăng?
III. CÁI NHÌN TIÊU CỰC VÀ TÍCH CỰC TRONG CÙNG MỘT VẤN ĐỀ (13:30):
- Tùy vị trí chúng ta đứng ở đâu: Đứng với Chúa hay đứng với con người.
- Có tầm nhìn của đức tin hay của lý trí.
- Sống với cảm xúc hay đức tin.
Mà có những ý kiến trái chiều khác nhau.
Những câu nói tiêu cực hay tích cực chúng ta thường nói:
- Truyền giảng chắc không có thân hữu đâu, truyền giảng làm chi cho mệt.
- Chúng ta cứ trung tín truyền giảng. Hạt giống đã gieo ra có ngày mọc lên. Kết quả thuộc về Chúa.
- Nhà đó cách mạng gốc họ không tin Chúa được đâu.
- Nếu Chúa hành động thì tội nhân có cứng lòng cở nào cũng bị Chúa bắt phục.
- Anh A tin Chúa chắc gì đời sống được đổi mới? Sáng xỉn chiều say Chúa cũng bó tay.
- Không có đời sống nào quá xấu xa mà Chúa không thay đổi được.
- Điểm nhóm nầy mở ra không được đâu, chính quyền khó khăn lắm.
- Điểm nhóm nầy nếu Chúa mở thì không ai có thể đóng được.
- Bệnh nầy nan y chắc chết thôi. Chúa chắc chữa không được nên cầu nguyện mà chi…
- Bệnh nầy là nan y nhưng đối với Chúa quyền năng thì không gì Ngài không làm được.
- Đi nhà thờ sợ tai nạn giao thông, vắng nhà sợ ăn trộm vô nhà, thôi ở nhà cho rồi. Đi nhà thờ mà không đi làm trưa nay lấy chi bỏ vô bụng, thôi chạy cuốc xe thồ kiếm tiền là hợp lý nhất.
- Cuộc đời mình trong tay Chúa rồi. Chúa chăm sóc bảo vệ khỏi phải lo tai nạn hay đói khổ, bịnh tật mà nếu có xảy ra thì Chúa lại có phương cách giải cứu.
- Theo Chúa không thấy ơn phước đâu cả mà chỉ gặp toàn là hoạn nạn thôi.
- Chúng ta thường nhớ những gì Chúa không cho nhưng lại mau quên với những gì Chúa cho. Hãy đếm ơn phước Chúa ban, chắc chắn nhiều hơn rất nhiều những hoạn nạn mà chúng ta gặp.
Những lời tiêu cực đó là những người lính chưa đánh đã đầu hàng, chưa động binh đã nắm chắc phần thua, chưa chiến đấu đã bỏ chạy. Chúng ta vẫn cứ nhìn vào hoàn cảnh và bị hoàn cảnh chi phối. Hãy nhìn vào Chúa, Đấng có quyền năng giải quyết mọi nan đề của chúng ta.
Dù trong hoàn cảnh nào cũng đừng đứng về số đông nếu là số đông tiêu cực. Hãy đứng về phía Đức Chúa Trời dẫu chỉ có một mình nhưng có Chúa là đủ rồi. (Tiên tri Ê-li trước 850 tiên tri Ba-anh - Át-tạt-tê…).
Kết luận:
10 thám tử và dân sự phiến loạn đã bị Chúa diệt mất trong đồng vắng không còn có cơ hội để bước vào và chiêm ngưỡng vùng đất thánh đượm sữa và mật mà Chúa hứa cho dân sự Ngài. Chỉ có Giô-suê và Ca-lép và những người trẻ dưới 20 tuổi mới được đặc ân đó mà thôi.
Đứng về phía đối kháng với Đức Chúa Trời với cái nhìn tiêu cực chẳng đem lại lợi ích gì cho đời sống của cá nhân mình và cộng đồng mà còn gây ra nhiều nan đề trong gia đình và Hội Thánh Chúa.
Đứng về phía Đức Chúa Trời với cái nhìn tích cực trong sự tin cậy và vâng lời Ngài, chúng đem lại lợi lích tâm linh và thể chất cho cá nhân, gia đình và Hội Thánh của Chúa, giúp lãnh nhận những ơn phước Chúa ban cho.
Đứng trước hai sự lựa chọn với hai cái nhìn khác nhau, từ bài học của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa chúng ta có sự lựa chọn nào? Đi lại vết xe đã đổ với lịch sử đau buồn được lập lại hay là kinh nghiệm mới mẻ phước hạnh trong Chúa khi nhìn biết đường lối Chúa qua hoàn cảnh và quyết tâm vâng phục ý muốn Ngài để lãnh nhận sự chiến thắng và ban thưởng.
Nguyện Chúa ban ơn cho chúng ta có cái nhìn đúng, sự lựa chọn đúng hôm nay và hưởng phước hạnh ngay bây giờ. A-men!
MsNc Đinh Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét