Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến (Mathiơ 24:14).

Kính chào Quí tôi con Chúa khắp nơi xa gần đang truy cập vào mạng lưới HTTL Phan Thiết. HTTL Phan Thiết có đường link sau: https://httlptbt.blogspot.com; https://youtube.com/httlptbt, Blog xem tốt nhất Máy Tính và Di Động với trình duyệt Cốc Cốc

UBTTN - Trang Phục Của Giới Trẻ Cơ Đốc (19/05/2017)

      Thời trang là một khái niệm áp dụng cho một người thường mặc những bộ trang phục thịnh hành ở một thời điểm nào đó. Trước sự phát triển của xã hội, con người không chỉ có nhu cầu ăn ngon nhưng cũng cần mặc đẹp, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, định nghĩa “thời trang” và “mặc đẹp” qua suy nghĩ của giới trẻ nói chung và giới trẻ Cơ đốc nói riêng đã có phần lệch lạc khỏi mục đích ban đầu của bộ trang phục. Mặt khác vì không nhận ra địa vị của mình trong nhà Đức Chúa Trời, hoặc nhận ra nhưng phớt lờ nên đã ăn vận những mẫu “thời trang kỳ quặc, dị hợm”, những kiểu quần áo “morden” (mô-đen) gây nên nhiều tình huống dở khóc dở cười trong một số nơi, kể cả nhà thờ khiến một số người bị vấp phạm. Cơ Đốc Nhân cần nhận thức địa vị của bản thân mình trong nhà Đức Chúa Trời, là con của Đấng Thánh Khiết, để từ đó có những quyết định khôn ngoan đẹp lòng Đức Chúa Trời và chọn những bộ trang phục cho chính mình để không gây vấp phạm cho người khác.
      Hầu hết các nguồn tài liệu vẫn chưa nói rõ nguyên nhân và sự ra đời của trang phục. Chỉ duy có một nguồn tài liệu nói rõ về điều này. Chính Kinh Thánh là nguồn tài liệu duy nhất cho chúng ta biết rõ nguyên nhân ra đời và mục đích của trang phục. Qua nhiều thời đại trang phục thay đổi để hợp thời trang. Nhưng quan điểm của Kinh Thánh về thời trang vẫn không thay đổi dành cho con người và đặc biệt là Cơ Đốc Nhân.
      1/ Nguồn gốc và sự ra đời của trang phục:
      “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng Thế 3:6-7). Từ buổi sáng thế khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên A-đam và Ê-va thì vẫn chưa có một khái niệm vào về trang phục. Nhưng bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va phạm tội vì kiêu ngạo, không vâng lời Đức Chúa Trời họ có ý thức mới về chính mình và người khác trong sự lõa lồ và hổ thẹn. Cố gắng của chính họ để che sự lõa lồ thật yếu kém, tạm bợ và vô ích bằng việc lấy lá cây đóng khố che thân. Đây chỉ là hành động bộc phát để che chắn tạm thời sự xấu hổ, nhưng điều có thể thấy được nguyên nhân đầu tiên ra đời của trang phục đó chính là để che chắn sự lõa lồ, hổ thẹn.
      “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng Thế 3:21). Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng đã thiết kế ra trang phục đầu tiên bằng da thú dành cho vợ chồng A-đam và Ê-va, vì có thể Đức Chúa Trời nhận thấy khố bằng lá cây chỉ là tạm bợ và nhất thời. Trang phục đầu tiên Đức Chúa Trời thiết kế dành cho cả nam và nữ đều có hình thức là áo dài, bởi mục đích chính của trang phục là để che đậy sự lõa lồ và xấu hổ.
      2/ Trang phục của Thầy tế lễ:
Qua nhiều thế kỷ, nhiều thời đại trang phục bắt đầu có sự thay đổi về hình thức và chất liệu với những tên gọi khác nhau như: áo choàng (Sáng Thế 9:23), áo xống (Sáng Thế 24:53), áo tơi lông (Sáng Thế 25:25), áo dài có nhiều sắc (Sáng Thế  37:3)… Mãi đến Xuất 28:2 “Ngươi hãy chế bộ áo thánh cho A-rôn, anh ngươi, để người được vinh hiển trang sức”, lần thứ hai Đức Chúa Trời thiết kế trang phục dành cho Thầy tế lễ với mục đích tôn vinh chức vụ và các chức năng của Thầy tế lễ. Trang phục đầu tiên Đức Chúa Trời thiết kế để che sự lõa lồ xấu hổ sau khi con người phạm tội, bộ trang phục thứ hai Đức Chúa Trời thiết kế dành cho Thầy tế lễ, người được biệt riêng đến gần và thờ phượng Ngài. Sự thay đổi về hình thức và chất liệu để phù hợp với mục đích và thẩm mỹ, đó chính là thời trang.
      Trang phục Thầy tế lễ được Đức Chúa Trời chỉ dẫn rất tỉ mỉ từng chi tiết một, trong đó có nhắc đến một bộ phận không thể thiếu của bộ trang phục đó chính là quần lót “Hãy chế cho họ quần lót trong bằng vải gai, đặng che sự lõa lồ, mặc từ ngang lưng quần cho đến bắp vế” (Xuất 28:42). Tựu chung, mục đích của trang phục là để che sự lõa lồ và thể hiện công việc, phong cách, quan điểm của mỗi người.
      Cơ Đốc Nhân là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9a). Từ khi Đức Chúa Giê-xu hy sinh trên Thập tự giá “Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới” (Mác 15:38) mỗi Cơ Đốc Nhân đều được đến gần Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu bằng sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu là Thầy tế lễ Thượng phẩm, là Đấng Trung Bảo giữa con người và Đức Chúa Trời, mỗi Cơ Đốc Nhân là một Thầy tế lễ, được đến gần Đức Chúa Trời. Đặc biệt khi Cơ Đốc Nhân bước đến đền thờ không chỉ trong địa vị một tín đồ nhưng cũng là một thầy tế lễ dâng lên Chúa những của lễ là sự cảm tạ, ngợi khen và những điều cầu xin. Dù không bắt buộc mỗi Cơ Đốc Nhân sử dụng trang phục như những Thầy tế lễ, nhưng trong cách ăn mặc ngoài xã hội và đặc biệt là trong nhà thờ giới trẻ Cơ Đốc cần phải nhớ nguyên tắc trong cách ăn mặc.
      3/ Nguyên tắc trong cách ăn mặc của Cơ Đốc Nhân:
      a. Ăn mặc kín đáo:
      William Orr, trong quyển Tình Yêu, Tìm Hiểu và Hôn Nhân than thở cho thực trạng Thế giới ngày nay nhan nhản một hiện tượng đáng báo động đó là sự trơ trẽn và hầu như khiếm nhã trong trang phục của phụ nữ. Các cô, các bà xuất hiện giữa công chúng trong những bộ đồ hở hang, những chiếc quần sọt ngắn ngủn, dường như cốt để làm cho những người đoan chính phải đỏ mặt vì ngượng. Chính những kiểu “thời trang thiếu vải” có thể khiến cả những chàng trai có đầu óc lành mạnh cũng thấy tâm trí và thân xác bị kích động. Vô tình trong cách ăn mặc theo thời trang không kín đáo của quý bà quý cô đã gây cớ vấp phạm cho người khác “các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm Xuất 20:14, Phục-truyền 5:18. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Ma-thi-ơ 5:27-28). Trong một vài trường hợp chính điều đó còn tiềm ẩn những nguy hiểm tác hại chính bản thân quý bà quý cô và cả quý ông. Cho nên, giới trẻ Cơ Đốc Nhân cần phải thận trọng trong cách ăn mặc sao cho kín đáo “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:3-4)
      b. Ăn mặc hợp lý:
      Trong tiếng Hy-lạp, hợp lý có nghĩa là tự chế ngự mình trong sự quân bình và cẩn trọng. “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:8), Cơ Đốc Nhân cần phải xem trang phục là nhu cầu cần thiết chứ đừng chạy theo mốt kỳ khôi, kỳ dị, đỏng đảnh, tức thời, nhưng chính bản thân hoặc một số người lại cho rằng đó mới là hợp mốt, theo kịp thời đại. Ngược lại, cũng đừng trở thành người mẫu của các kiểu thời trang đã qua từ mười năm trước. Theo II Phi-e-rơ 1:6a “thêm cho học thức sự tiết độ”, học thức với hiểu biết thì phải tự chủ trong mọi việc kể cả tự chủ trong việc ăn mặc phù hợp với khả năng và hoàn cảnh kinh tế, nhưng vẫn không lỗi thời, cổ hũ. Một Cơ Đốc Nhân ăn mặc kín đáo, hợp lý, sạch sẽ là một người hiện đại, hiểu biết, đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.
      c. Ăn mặc thích hợp:
      Ăn mặc kín đáo, hợp lý không có nghĩa là ở bất kỳ đâu, khi nào, và trong mọi trường hợp đều mặc một thứ trang phục như một nguyên tắc không thay đổi. Ví dụ như khi chơi bóng đá không thể mặc áo sơ-mi, quần tây, thắt ca-ra-vát. Quý bà quý cô cũng không thể mặc đồ ngủ mà đi dạ hội… Cũng vậy, khi đến nhà thờ với mục đích là thờ phượng Chúa, trong địa vị là Thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, thì quý bà quý cô, quý ông cũng cần phải chọn trang phục cho phù hợp, không hở hang, không luộm thuộm để giữ sự trang nghiêm trong nơi Thánh và tôn trọng nơi người khác.
      Đức Chúa Trời cho con người có quyền tự do, kể cả việc chọn những bộ trang phục cho chính mình. Nhưng quyền tự do đó không được phép vượt qua tiêu chuẩn ban đầu dành cho trang phục. Khi con người phạm tội thì trang phục ra đời để che sự lõa lồ, nhưng thật nghịch lý thay khi ngày nay tội lỗi càng gia tăng thì con người lại càng ăn mặc lõa lồ. Vì thế, giới trẻ Cơ Đốc cần nhận thức rõ điều này và quan trọng hơn thế nữa là địa vị thầy tế lễ trong nhà Chúa để từ đó trong cách ăn mặc chúng ta không gây cớ vấp phạm cho người khác. Nam có thể mặc áo sơ-mi quần tây hoặc ka-ki vừa lịch lãm vừa phong cách, nữ có thể mặc áo dài vừa trang nhã vừa diệu dàng đầy nữ tính… Ngoài ra giới trẻ Cơ Đốc cần thể hiện đời sống thánh khiết qua nếp sống hàng ngày hơn là những thứ mà người ấy khoác lên mình. Bởi vậy, trong cách ăn mặc, chọn lựa thời trang, thể hiện sự khác biệt của người trẻ Cơ Đốc với người trẻ bên ngoài xã hội. Cơ Đốc Nhân hãy làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng việc ăn mặc kín đáo, hợp lý và thích hợp. Đừng để quần áo và những mốt thời trang của thế gian trở thành thần tượng trong cuộc đời của chúng ta.

      Ti-mô-thê Tạ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét