Phẩm Chất Của Người Lãnh Đạo Trẻ Trong Hội Thánh
“Tre già măng mọc” đó là quy luật cơ bản và tự nhiên, theo triết học câu tục ngữ này có nghĩa “thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hội Thánh hiện nay, có một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao các trưởng lão trong Hội Thánh lại không giao trọng trách cho giới trẻ?”, hay nói khác hơn là: “Tại sao Hội Thánh không chuộng người trẻ?”, hoặc nếu có giao việc thì cũng quản lý quá chặt chẽ khiến họ không thể phát huy hết khả năng.
Hiện nay, trong thời đại khắc nghiệt của kinh tế thị trường, chúng ta không phủ nhận có nhiều người trường trẻ đầy tài năng, phẩm chất đạo đức tốt đã và đang đứng vào hàng ngũ lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng không ít người trẻ chỉ có kiến thức, bằng cấp nếu không thì chỉ cần một hoặc vài mối quan hệ quen biết hay “đi cửa sau” thì có thể được tuyển chọn hoặc trở thành người lãnh đạo một cách dễ dàng. Sau giờ làm việc họ trở về gia đình có quyền “sống thoải mái, tự do”. Tuy nhiên, những công tác trong Hội Thánh đòi hỏi người phục vụ không chỉ có khả năng, nhân cách, nhưng phải có một đời sống thánh khiết trước mặt Chúa và thiên hạ, đặc biệt cần phải được Chúa chọn lựa chứ không phải do bản thân hay bất kỳ “cứu cánh” nào khác. Bởi thế, mà sứ đồ Phao-lô đã nhắc nhở Ti-mô-thê, một Mục sư trẻ rằng: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (I Ti-mô-thê 4:12)
1/ Lời Nói:
Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Trong Cựu Ước, chính trước giả Châm ngôn cũng đã thốt lên rằng: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm ngôn 15:1), Tân Ước Gia-cơ 3:6 đề cập rất rõ về tội lỗi của cái lưỡi “cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác…”. Khi nhắc đến người trẻ tuổi thì “bốc đồng và háo thắng” là hai phẩm tính thường được đề cập đến. Không phải tất cả giới trẻ đều sở hữu hai phẩm tính này, nhưng nếu “không may” thì hai điều này sẽ khiến người lãnh đạo trong Hội Thánh, đặc biệt là người trẻ sẽ mau nghe, mau nói và dễ giận dẫn đến mất lòng tin từ các tín hữu khác, gây chia rẽ và những hậu quả khôn lường là điều không thể tránh khỏi. Khi chúng ta muốn mình được tôn trọng thể nào, chúng ta cũng phải tôn trọng người khác, nếu muốn họ chịu nghe những gì chúng ta phải có lời nói: “nêm thêm muối” có nghĩa là những gì chúng ta nói phải có “vị ngon” phải khuyến khích để người kia sẵn sàng đối thoại thêm với chúng ta.
Hơn nữa, người lãnh đạo trẻ trong Hội Thánh cần phải nói thật “như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25). Thiết nghĩ, khi người lãnh đạo trẻ trong Hội Thánh chuẩn bị phát ngôn điều gì cũng cần nhớ rằng: “Hội Thánh của Đức Chúa Trời được Ngài mua bằng chính huyết mình” thì chắc chắn sẽ có những lời hay, đem lại sự khích lệ và nâng đỡ từ môi miệng những “tôi trai, tớ gái” của Đức Chúa Trời. Có một câu nói: đồng tiền có 2 mặt nhưng chỉ có một mệnh giá, cớ sao con người chỉ có một mặt mà sống hai lòng”, đừng nói một đằng rồi làm một nẻo. Nên, sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê cần phải cẩn thận trong lời nói và cả nết làm.
2/ Nết làm:
Nết làm hay nói dễ hiểu là cách ứng xử mỗi ngày với tất cả mọi người từ nhà thờ đến ngoài xã hội mà người lãnh đạo trẻ phải đối diện. Trong cách ứng xử, có khi là khích lệ, cũng có lúc phải quở trách, sứ đồ Phao-lô đã khuyên Mục sư Ti-mô-thê “Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đàn bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh sạch trọn vẹn” (I Ti-mô-thê 5:1-2). Bởi lẽ, Hội Thánh là một nhóm người có cùng đức tin hiệp lại để phục vụ Đức Chúa Trời, không lương không lợi lộc, nhưng ngược lại còn phải hy sinh mà vẫn bị chê trách…Nên trong cách ứng xử người lãnh đạo trẻ cần nhận thức rõ đối tượng mình đang giao tiếp là ai, và luôn nhắc để bản thân nhớ rằng họ là người thân trong gia đình mình là cha, mẹ, anh chị em.
Một mục sư đã đưa nhận định “nhìn chiên là biết người chăn”, những tín hữu hay ngồi lê đôi mách thì ắt hẳn người chăn cũng thích chuyện phiếm, những tín hữu ham thích lời Chúa chứng tỏ người lãnh đạo Hội Thánh luôn chuyên tâm nghiên cứu Kinh Thánh. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Hội chúng muốn thấy nếp sống Cơ Đốc từ người lãnh đạo trẻ hơn là những lời hoa mỹ về những tiêu chuẩn đạo đức sách vở. Hãy để cộng đồng Cơ Đốc thấy Chúa qua người lãnh đạo trẻ trong Hội Thánh.
Người lãnh đạo dù trẻ nhưng phải thể hiện phẩm chất của người chăn, người phục vụ. Phải đi trước và làm gương: Dạy về sự dâng hiến nhưng không biết dâng hiến thì đừng trách tại sao hội chúng không dâng hiến. Trong bối cảnh tuyển dân vượt sông Giô-đanh, chỉ khi những thầy tế lễ đi trước khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va và chân của họ mới bị ướt nơi mé nước thì nước sông Gô-đanh mới rẽ ra (Giô-suê 3:1-16). Phẩm chất thứ ba mà người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc cần có chính là đức tin.
3/ Đức tin:
Trong chức vụ lãnh đạo thuộc linh, nhiều sự việc nếu nhìn bằng con mắt xác thịt thì đó là vấn đề nan giải. Nhưng bởi đức tin thì không có việc gì khó “nếu các ngươi có đức tin trộng bằng hột cải, các ngươi khiến cây dâu nầy rằng: Hãy nhổ đi mà trồng dưới biển, thì nó sẽ vâng lời” (Lu-ca 17:6). Nếu chính bản thân người lãnh đạo vẫn chưa đặt lòng tin chắc vào Chúa thì làm sao đưa Hội Thánh đến với sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy (Hê-bơ-rơ 11:1). Người lãnh đạo trẻ phải chuyên tâm trao dồi đức tin bằng một nếp sống trong năng quyền của Đức Chúa Trời. Một nếp sống hoàn toàn tin cậy nơi Đấng mình đang hầu việc, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì biết mình luôn ở trong quyền tể trị của Đấng yêu thương. Ngược lại, một người lãnh đạo trẻ hướng dẫn hội chúng nhưng thiếu đức tin thì cũng giống như “kẻ mù có thể dắt kẻ mù được chăng? Cả hai há chẳng cùng té xuống hố sao?” (Lu-ca 6:39).
Để làm được điều đó người lãnh đạo trẻ phải sống với Thi Thiên 37:5 “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”.
Một vị Truyền đạo trẻ được bổ nhiệm đến một Điểm Nhóm tại nông thôn. Ông chuyên tâm trao dồi và truyền đạt lời Chúa cho hội chúng. Mỗi ngày gia đình ông sống bằng đức tin, dù đói hay no vẫn luôn mỉm cười và cảm ơn Chúa. Sau hai năm, con cái Chúa tại nơi đây đã bắt đầu tăng trưởng. Ông Sáu, một tín hữu trước đây đã từng sống bằng lý luận, nhưng một ngày kia đã tâm sự với vị Truyền đạo: Thầy ơi! Tôi thực sự thấy quyền năng của Chúa, trong trận bão vừa rồi, gia đình tôi hoàn toàn bất lực, Chúa đã cho dừng mưa kịp lúc khi nước đã ngay mép đìa tôm (kế sinh nhai của cả gia đình), chỉ có Chúa mới làm được”. Người lãnh đạo trẻ dù thiếu thốn về vật chất, dù không có nhiều bằng cấp nhưng điều không thể thiếu đó chính là đức tin nơi Đấng Cứu Thế, để dẫn dắt bầy chiên mà Chúa đã mua bằng chính huyết của Ngài.
4/ Tình yêu thương:
Người lãnh đạo trẻ Cơ Đốc phục vụ Chúa phải bằng tình yêu thương chứ không chỉ là trách nhiệm, quyền lợi. Người lãnh đạo Cơ Đốc dù trẻ tuổi nhưng vẫn là người cha mẹ thuộc linh đối với con cái Chúa, hãy “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Con cái Chúa dù ở lứa tuổi nào cũng cần tình yêu thương, đặc biệt là từ người lãnh đạo Hội Thánh.
Tại một Hội Thánh kia, người lãnh đạo Hội Thánh là một Mục sư trẻ. Tuy nhiên, có điều lạ là tất cả con cái Chúa từ nam phụ lão ấu khi gặp bất kỳ chuyện gì thì người đầu tiên họ tìm đến cũng là Mục sư. Nhiều khi Mục sư và bà chỉ ngồi im lặng lắng nghe, cùng khóc và cầu nguyện với con cái Chúa. Bởi tình yêu thương của Chúa lan truyền từ Mục sư đến tín hữu khiến Hội Thánh mỗi ngày càng hiệp một, yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau, trong nhà thờ ấy luôn luôn rộn rã tiếng cười, tiếng ca hát và tràn ngập những lời cảm tạ.
Người lãnh đạo trẻ hãy yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước, tình yêu thương sẽ không bao giờ hư mất, hãy cho đi đừng mong đáp lại, noi gương theo lời dạy của sứ đồ Phao-lô “Anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn” (Phi-líp 2:2).
5/ Sự tinh sạch:
Sự thánh khiết là một trong các thuộc tánh của Đức Chúa Trời, mà người lãnh đạo Cơ Đốc đang phục vụ Chúa phải có phẩm tính này. Bởi lẽ, người trẻ thường xuyên đối diện với nhiều sự cám dỗ như “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (I Giăng 2:16) đó là những điều từ thế gian mà ra khiến cho người lãnh đạo trẻ khó giữ được nếp sống tinh sạch, thánh khiết trước mặt Chúa và Hội Thánh. Sự thánh khiết không chỉ đơn thuần là đề nghị nhưng là mạng lệnh bắt buộc và tiêu chuẩn mà mỗi Cơ Đốc nhân nói chung, người lãnh đạo trẻ nói riêng phải xem đó là phương châm sống “Các nguơi hãy làm sạch mình, và hãy nên thánh, vì ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê-vi ký 20:7).
Một vị Truyền đạo trẻ buộc phải xin nghỉ chức vụ, vì trong vấn đề tiền bạc ông không rõ ràng, trong vấn đề tình cảm ông cũng không chuẩn mực, trong cách lãnh đạo ông thường ngồi lê đôi mách. Dù tín đồ ở đây luôn tạo cơ hội để ông sửa đổi, nhưng…ông phải nhận một cái kết xứng đáng cho sự bất khiết của mình vì “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).
Người lãnh đạo trẻ cần nhắc nhở bản thân như sứ đồ Phao-lô: “Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”; “Vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (I Cô-rinh-tô 9:27; I Ti-mô-thê 4:12b).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét